Thừa kế tài sản là vấn đề thường gặp trong cuộc sống, tuy nhiên nhiều người còn nhầm lẫn các quy định pháp lý về việc này.
Sau đay là 8 câu hỏi thường gặp, mời mọi người xem qua:
1. Chồng chết không để lại di chúc thì vợ được quyền định đoạt toàn bộ tài sản chung của vợ chồng mà không cần hỏi ý kiến của các con. Đúng hay sai?
Sai.
Trong khối tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản của chồng được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, sẽ chia đều phần tài sản của chồng cho vợ, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của chồng (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
2. Chồng lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho con. Vậy vợ có được hưởng tài sản của chồng hay không?
Có.
Căn cứ khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
3. Cha dượng, mẹ kế chết mà không để lại di chúc thì con riêng có được hưởng tài sản thừa kế từ họ không?
Tuỳ theo trường hợp.
Căn cứ Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015, con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.
4. Có được quyền lập di chúc để lại một phần tài sản cho người yêu hay không?
Có.
Căn cứ Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, được quyền lập di chúc để lại một phần tài sản của mình cho người yêu nói riêng hoặc bất kỳ ai nói chung mà người lập di chúc mong muốn.
5. Chồng vừa chết mà vợ đi kết hôn với người khác thì không được hưởng thừa kế từ chồng. Đúng hay sai?
Sai.
Căn cứ khoản 3 Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015, người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
6. Sẽ được hưởng thừa kế từ người chết nếu cùng chung hộ khẩu cùng một nơi đăng ký thường trú với họ. Đúng hay sai?
Sai.
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015, việc hưởng tài sản thừa kế của người chết để lại được thực hiện theo di chúc hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật, cả hai hình thức thừa kế này đều không phụ thuộc vào hộ khẩu. Do đó, việc có chung hộ khẩu hay không sẽ không ảnh hưởng đến việc thừa kế tài sản của người chết.
7. Trường hợp nhờ người khác viết giúp di chúc thì buộc phải có ít nhất là 2 người làm chứng. Đúng hay sai?
Đúng.
Căn cứ Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.
8. Người lập di chúc có được quyền yêu cầu chứng thực di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã không?
Có.
Căn cứ Điều 635 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Căn cứ Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015, việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:
1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã ký vào bản di chúc.
2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.