Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giao TAND tỉnh xét xử lại từ đầu
Vừa qua, Báo Công lý và Xã hội đã đăng loạt bài về vụ kiện của ông Huỳnh Minh Hùng, theo đó, năm 1996 UBND TX Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu) tiến hành đào đất làm lộ Bờ Tây từ Phường 2 đến phường Nhà Mát trong đó diện tích bị sử dụng làm đườngcủa nhà ông Hùnglà 2.370m2mà không có bất kỳ quyết định thu hồi hay văn bản thoả thuận nào.
Ông Huỳnh Minh Hùng (85 tuổi) trình bày bị thu hồi đất mà không có Quyết định thu hồi
Nhiều lần ông Hùng khiếu nại yêu cầu bồi thường nhưng UBND tỉnh Bạc Liêu không đồng ý vì cho rằng, thời điểm năm 1996 pháp luật về đất đai không quy định chính sách bồi thường. Mới đây, ngày 26/9/2019, TANDTC mở phiên toà Giám đốc thẩm xét xử vụ án ông Hùng kiện Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Hội đồng thẩm phán nhận định:
Căn cứ Điều 27 Luật đất đai năm 1993 quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại. Điều 3 Nghị định 90-CP ngày 07/8/1994 của Chính phủ cũng quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp mà bị Nhà nước thu hồi đất thì được đền bù thiệt hại và đền bù tài sản hiện có trên đất.
Quyết định chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm
Theo đó, ngày 11/02/2014, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu ban hành Quyết định 40 cho rằng không có cơ sở để xem xét giải quyết vì thời điểm năm 1996 không có chính sách bồi thường là không đúng. Vì khi đó Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 90 nêu trên đang có hiệu lực thi hành.
Sau đó, ngày 28/3/2014 Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu ban hành tiếp Quyết định 49 hủy một phần Quyết định 40 với nội dung, việc khiếu nại của ông Hùng thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết vì sau 18 năm mới khiếu nại mặc dù ông Hùng vẫn liên tục khiếu nại (Công văn trả lời số 107/VP ngày 28/02/2000).
Vụ việc được “đẩy” lên Tỉnh, ngày 21/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 556 có nội dung giống như Chủ tịch UBND thành phố ra trước đó. Quyết định cho rằng thời điểm năm 1996, pháp luật về đất đai không có quy định chính sách bồi thường và vẫn tiếp tục xác định khiếu nại của ông Hùng thuộc một trong những trường hợp không được thụ lý giải quyết.
Theo Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ của người bị kiện. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án các cấp không yêu cầu người bị kiện cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc thu hồi đất là do Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng như việc ông Hùng tự nguyện hiến đất cho Nhà nước như đại diện người bị kiện trình bày.
Do vậy, Hội đồng thẩm phán TANDTC chấp nhận Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm ngày 07/6/2019 của Chánh án TANDTC. Tuyên hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 55/2016/HC-PT ngày 07/6/2016 của TAND cấp cao tại TP.HCM và Bản án hành chính sơ thẩm số 13/2015/HC-ST ngày 25/8/2015 của TAND tỉnh Bạc Liêu, giao hồ sơ TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử lại từ đầu.
Thông báo số 04/TB-TA (lần 2) của TAND tỉnh Bạc Liêu về phiên họp đối thoại giữa các đương sự
Toà 02 lần triệu tập, Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch thành phố vẫn “né”
Theo Quyết định Giám đốc thẩm của TAND tối cao, ngày 20/11/2019 TAND tỉnh Bạc Liêu ban hành Thông báo thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm số 33/2019/TLST-HC. Người khởi kiện là ông Huỳnh Minh Hùng, Người bị kiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Sau khi được mời cung cấp thêm chứng cứ thì ngày 15/01/2020, ông Hùng nhận được Giấy triệu tập của TAND tỉnh Bạc Liêu để tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Ông Hùng đến đúng hẹn nhưng Người bị kiện và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại vắng mặt mà không có bất kỳ lý do gì.
Tiếp đó, TAND tỉnh Bạc Liêu ban hành Giấy triệu tập và Thông báo lần 2 nhưng Người bị kiện và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn không tới để đối thoại với dân.
Được biết, theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Sau 03 năm triển khai thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình là việc không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên Toà theo triệu tập của Toà án. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và trong việc thi hành án hành chính chưa được thực hiện hiệu quả.
Để kịp thời chấn chỉnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp hành nghiêm trách nhiệm tham gia phiên toà, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định.
Dù Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ rành rành ra đó, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu vẫn “né”, không đối thoại với dân cho dù Toà đã 02 lần triệu tập, mặc dù gia đình ông Hùng rất muốn đối thoại, trao đổi với UBND tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, mong vụ án mong chóng kết thúc để gia đình yên tâm làm ăn sinh sống.
Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp vào ngày 4/9, Phó chánh án Toà tối cao Lê Hồng Quang trình bày, nhiều chủ tịch, phó bí thư tỉnh có tên trong Thường trực Tỉnh uỷ cho rằng nếu phải đến toà để thẩm phán trung cấp xét xử thì "vị thế sẽ bị thấp đi". Do vậy, họ không xuất hiện theo quyết định triệu tập. Việc vắng những người này khiến phiên tòa không đối thoại được, không cung cấp được chứng cứ nên HĐXX phải hoãn xét xử, chất lượng giải quyết thấp. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hạn chế này có thể xử lý dứt điểm thông qua việc Toà tối cao thống kê những chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh nào không đến toà khi bị triệu tập; xác minh cấp ủy ở địa phương nào có việc thẩm phán vì xử án hành chính mà không được phê chuẩn tái bổ nhiệm. |