Chiến thắng Phước Long mở toang cửa ngõ phía Đông, tạo đà quyết định cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước. Với vị trí chiến lược thuận lơị cách Sài Gòn khoảng 140 km về phía Đông Bắc, Phước Long được ví như chiếc cầu nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam Campuchia và miền Đông Nam Bộ. Việc giải phóng thị xã này không chỉ mang ý nghĩa quân sự, mà còn có tầm vóc chiến lược, chính trị sâu sắc, mở ra triển vọng mới cho cách mạng miền Nam.
Trung đoàn 71 bộ binh tấn công đánh chiếm mục tiêu quan trọng tại Phước Long. (Ảnh tư liệu, Quân đoàn 4 cung cấp)
Sau khi tiêu diệt các chi khu Đồng Xoài, Bù Đăng, Bù Đốp và kiểm soát hoàn toàn quốc lộ 14, lực lượng vũ trang cách mạng đã cô lập hoàn toàn Phước Long khỏi Quân đoàn 3 ngụy. Quân địch rơi vào tình thế bị chia cắt, với hệ thống phòng thủ yếu ớt, tập trung ở thị xã Phước Long, chi khu Phước Bình và điểm cao Bà Rá. Thế phòng thủ được vínhư "chân vạc", có thể sụp đổ nhanh chóng nếu mất đi một điểm tựa.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) đã khẩn trương xây dựng thế trận bao vây, chia cắt Phước Long - Phước Bình, khóa chặt đường tiếp viện đường không và chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi nỗ lực cứu viện của địch.
Rạng sáng ngày 31/12/1974, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công Phước Bình, đồng thời pháo kích dữ dội vào Phước Long, mở màn chiến dịch. Trung đoàn 165 phối hợp nhịp nhàng, đánh thẳng vào các điểm phòng ngự then chốt. Ở phía tây nam, Sư đoàn 7 với sự yểm trợ của pháo cao xạ 37 ly đã tiêu diệt chốt địch trên điểm cao Bà Rá, vốn được xem là "con mắt thần" của quân ngụy.
Sau khi làm chủ Phước Bình và Bà Rá, các đợt tiến công tiếp theo được triển khai dồn dập trong các ngày 1 - 5/4/1975, bộ đội ta tiếp tục mở nhiều đợt tấn công từ các hướng khác nhau. Để nhanh chóng dứt điểm các mục tiêu còn lại, Bộ Tư lệnh quyết định tung lực lượng dự bị vào trận. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) do Trung đoàn trưởng Lê Tán Cẩm và Phó Chính uỷ Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy và Trung đoàn 165 do Trung đoàn trưởng Trần Quang Triệu, Chính uỷ Nguyễn Can chỉ huy cùng đánh thẳng vào trung tâm thị xã, đập tan các ổ đề kháng của địch ở đường Cách Mạng, đường Đinh Tiên Hoàng. 9 giờ 30 phút ngày 6/1, Đại đội 7 (Trung đoàn 2) gặp Đại đội 7 (Trung đoàn 141). Hai đại đội này hợp thành một mũi đánh chiếm dinh tỉnh trưởng.
Tượng đài Phước Long chiến thắng là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thệ trẻ.
Đến 10 giờ 30 phút ngày 6/1/1975, chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan (đại đội 7, Trung đoàn 141) cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên trước nhà tỉnh trưởng Phước Long. Những tên địch sống sót tháo chạy về phía bắc thị xã bị pháo binh diệt một số, hầu hết bị hai trung đoàn 201 và 271 bắt sống. 19 giờ cùng ngày, hầm ngầm trong sở chỉ huy trung tâm hành quân, vị trí cố thủ cuối cùng của địch bị diệt. Thị xã Phước Long bị quân ta đánh chiếm, chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc thắng lợi.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, người trực tiếp tham gia chiến dịch Phước Long, khẳng định rằng chiến thắng này không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Tướng Doanh gọi đây là “đòn trinh sát chiến lược” của quân và dân ta. Với nghệ thuật đánh “bóc vỏ” - tiêu diệt các chi khu xung quanh trước khi tiến vào trung tâm - quân ta đã thành công trong việc tiêu diệt lực lượng phòng thủ của địch một cách có hệ thống. Việc lựa chọn mục tiêu, xây dựng kế hoạch và triển khai lực lượng đều được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc, thắng chắc”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, kinh nghiệm từ chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả trong chiến dịch Phước Long, phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta trong việc thích nghi với tình hình chiến tranh mới. Và qua trận đánh này, chúng ta mới nhận rõ thái độ của Mỹ - sẽ không can thiệp trở lại vào Việt Nam - và quân ngụy không còn khả năng chống đỡ, tạo cơ sở để Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định giải phóng miền Nam sớm hơn.
Sau thất bại tại Phước Long, ngụy quyền lập tức tổ chức phòng thủ tại Xuân Lộc, xây dựng nơi đây thành "cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông. Xuân Lộc, nay thuộc tỉnh Đồng Nai, nằm cách trung tâm Sài Gòn chỉ 60 km, được xem là điểm chốt then chốt trong tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu được tướng Mỹ Uây-en "cảnh báo": "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn".
Ngày 9/4/1975, chiến dịch Xuân Lộc chính thức bắt đầu. Từ nhiều hướng, pháo binh ta đồng loạt khai hỏa, phá hủy cụm thông tin, kho đạn và các cứ điểm phòng thủ trọng yếu của địch. Lực lượng bộ binh nhanh chóng xung phong. Ở hướng Bắc, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với cơ sở cách mạng và trinh sát kỹ càng, các mũi tiến công đột phá hiệu quả. Ngay trong ngày đầu, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, 7 cùng các đồng đội đã cắm lá cờ chiến thắng trên dinh tỉnh trưởng Long Khánh.Bên cạnh hướng chủ công, quân ta tổ chức nhiều mũi tiến công phối hợp. Các trận đánh diễn ra quyết liệt trong suốt gần hai tuần. Dù quân địch liên tục phản kích, nhưng trước sức tấn công mãnh liệt và thế trận vững chắc của quân ta, chúng dần bị tiêu hao sinh lực, tan rã về tinh thần. Trước nguy cơ thất thủ, Sư đoàn trưởng 18 ngụy Lê Minh Đảo bỏ sở chỉ huy tháo chạy, tỉnh trưởng Long Khánh Nguyễn Văn Phúc rút lui ra Núi Thị. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng.
Bắt sống Bộ Chỉ huy tiểu khu Long Khánh, mở toang “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, ngày 20/4/1975 (Ảnh tư liệu, Quân đoàn 4 cung cấp).
Chiến thắng Xuân Lộc mang ý nghĩa chiến lược to lớn, như lời Đại tướng Ngô Xuân Lịch từng nhận định: "Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã bị phá vỡ". Từ đây, con đường tiến vào trung tâm đầu não địch hoàn toàn rộng mở, tạo điều kiện cho quân ta tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.
Chiến thắng Xuân Lộc đã khơi dậy và cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí thế cách mạng tiến công của toàn quân và toàn dân cho trận quyết chiến chiến lược. Trong một khoảng thời gian ngắn, ta đã huy động được một lực lượng quân sự lớn chưa từng có, với sự tham gia của 5 binh đoàn chủ lực, hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn của các quân binh chủng, lực lượng vũ trang tại chỗ ở Nam Bộ kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân; và hơn 60.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến trường miền Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi diễn ra những trận đánh then chốt, mà còn là bàn đạp chiến lược dẫn tới thắng lợi cuối cùng. Từ Phước Long đến Xuân Lộc, những chiến sĩ và nhân dân miền Đông Nam Bộ đã đóng vai trò mũi nhọn đột phá, góp phần xoay chuyển cục diện chiến tranh.
Những chiến công hiển hách ấy là minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và sự đoàn kết toàn dân. Đó là sự kết tinh sức mạnh của ý chí dân tộc và đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Chiến thắng trên chiến trường miền Đông, đặc biệt tại Phước Long và Xuân Lộc, là những cột mốc vĩ đại mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975 - một bản hùng ca bất diệt trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.