Có vị ngọt cá lóc ướp củ nén, mùi cay nồng của tiêu bột và mùi thanh thanh của ớt ngâm nước mắm. Bánh Canh Cá Lóc thường được người dân Quảng Trị gọi bằng cái tên quen thuộc là “Cháo Bột”.
Quán Bánh Canh Cá Lóc o Nhung tại 262 Liên Khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM
Ao ướt thành sự thật
Bao nhiêu năm ấp ủ, ước mơ hằng đêm của anh và vợ muốn mang hương vị quê nhà của mình đến Sài Gòn nay thành sự thật. Dù làm đủ ngành nghề, kinh doanh nhiều thứ, nhưng vợ chồng anh vẫn duy trì món ăn quê hương. Tận dụng mặt bằng và nhân công nhà, không phải chi thêm nên gia đình anh mạnh dạng duy trì món ăn quê hương.
Tâm nguyện của anh nếu có người nào đó tâm huyết muốn nhân rộng món ăn này anh sẳn sàng truyền lại. O Nhung – Vợ anh Vinh, một cô gái dịu dàng từ làng Đông Dương, Hải Dương, Hải Lăng, Quảng Trị. Là người ‘quản gia’ đảm đang kim luôn đầu bếp, đã vất vả cùng anh mang hương vị cháo bột đi xa, bay xa đến tận nơi này.
Thực khách đang thưởng thức món bánh canh cá lóc.
Quán Bánh Canh Cá Lóc của anh tại số 262 Liên Khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM. Theo phong cách không cầu kỳ, rất bình dị, chỉ ghế bàn gỗ đơn giản được kê bên hông nhà. Anh từng tâm sự: “nguyên liệu chế biến Cháo Bột phải tươi, phải sạch, phải hợp vệ sinh theo khổ hiệu ‘ăn sạch, uống sạch’. Phục vụ phải ân cần, niềm nở, đậm nét quê hương. Khi dùng xong tô bánh canh giải khát bằng nước chè gừng xanh nghi ngút khói. Để những người con Hải Lăng - Quảng Trị khi ghé vô thưởng thức ngỡ như đang tại quê nhà”.
Nguyên liệu chế biến
Muốn được nồi Cháo Bột phải qua nhiều khâu chế biến rất kỳ công. Nguyên liệu chính là bột gạo, sau khi xay thật mịn rồi nhào thành bột để lúc luộc bột xong các sợi không dính vào nhau. Chúng phải vừa dai, vừa rời, không quá khô cũng không quá ướt.
O Nhung đang chế biến rau sạch để chuẩn bị buổi phục vụ khách
Một nguyên liệu chính nữa là cá lóc (người quê Quảng Trị gọi là có đô, cá tràu). Chọn cá phải thật tươi, còn sống, đem về làm sạch. Lốc phần thịt cá luộc sơ, sau đó lấy hết xương ra rồi ướp kỹ với các gia vị khác như củ nén, muối, tiêu, ớt. Phần xương giã nát cho vào nước luộc cá để làm nước dùng. Đầu và ruột lấy ra để riêng, làm thật sạch. Nếu là khách sành ăn thì đều muốn tô bánh canh của mình không thể thiếu bộ ruột và đầu.
Gia vị đặc biệt không thể thiếu là cây nén. Thuộc họ hành, củ và cây đều có mùi cay cay, mùi thơm rất đặc trưng, không nhầm với các loại gia vị khác được. Dùng củ nén giã giập ướp với thịt cá, khi um lên thơm nức mũi. Phần lá cắt mịn rắc vô nồi, mùi dậy lên tức thì. Nồi bánh canh thơm lừng, béo ngậy với vị ngọt của cá lóc, vị cay cay của ớt, tiêu xanh, vị thanh thanh của nén và hành.
Muốn ngon phải ăn thật nóng. Bánh canh nóng hổi múc ra tô, rắc thêm nắm lá nén và hành xắt mịn. Khói bốc lên nghi ngút, ngon từ miếng bánh trắng ngần tới miếng cá ngọt thơm. Đĩa rau sạch thật tươi cùng hành tước, đĩa bộ ruột và đầu ngút khói, phía trên có rắc lá nén và hành ngò. Húp một miếng mồ hôi đã thi nhau túa ra. Vậy mới cảm nhận hết được mùi vị thơm ngon món đặc sản.
Bánh canh cá lóc nóng hổi cùng bộ đầu cá thơm lừng
Người Quảng Trị ai cũng thích ăn cay, vì vậy bánh canh cá lóc o Nhung bao giờ cũng có tiêu xanh, hũ ớt bột, hũ ớt trái ngâm với nước mắm. Những người ăn lần đầu cứ hít hà mùi khói bốc lên nghi ngút từ tô bánh canh. Một tay cầm đũa gấp từng miếng bánh, tay kia cầm muỗng hớp nước dùng, vừa ăn vừa xuýt xoa cái vị cay xè của ớt mà người dân xứ Quảng vẫn hay dùng.
Thấm đậm tình quê
Bánh canh cá lóc Quảng Trị đậm chất gió Lào, phảng phất mặn mòi của biển. Điều đó cũng là lý do tinh túy kết tinh thành món bánh canh đặc trưng hớp hồn bao du khách khi ghé qua. Người Quảng Trị tha hương, chẳng ai không nhớ món ‘cháo bột’ quê mình.
Dân dã quê mùa mà ngon chi lạ rứa!
Bánh thì thơm, cá thì ngọt, nén thì cay, tiêu thì nồng… răng mà quên mô!
Huỳnh Minh Đức