Gần 2 năm nay từ khi Linh trở bệnh lại, gia đình anh Hoàng - chị Cho đã chạy chữa cho con đến lúc “sức cùng lực kiệt”. Tài sản gì trong nhà có giá trị thì bán hết, nợ nần tứ giăng đến nỗi bây giờ không thể vay được đồng nào nữa.
Về theo Doanh nhân Nguyễn Nguyệt Hằng, Phó Trưởng Ban Xúc tiến Thương mại Đầu tư CLB Doanh nhân Đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc công ty TNHH Sài Gòn Ánh Dương. Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Tô Văn Hoàng (sinh năm 1970) và chị Lương Thị Cho (sinh năm 1968) tại Ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu trong cái nắng chói chang của mùa hè qua đoạn đường dài hơn 330 cây số.
Tiền bạc lần lượt đội nón ra đi vì con bạo bệnh
Từ một hộ có của ăn của để, đùng cái thiếu nợ tứ giăng, không khả năng chi trả và đứa con trai lớn có thể ra đi bất cứ lúc nào vì bị suy thận giai đoạn cuối. Đón chúng tôi tại chân cầu Giá Rai là anh Bùi Văn Út, đại diện nhóm bạn học cấp 3 của Doanh nhân Nguyễn Nguyệt Hằng và anh Tô Văn Hoàng, chạy theo anh vòng vèo qua con đường nhỏ cạnh sông Giá Rai khoảng 6 cây số rồi dừng lại trước căn nhà cấp 4 ộp ẹp. Anh Út là cầu nối cho các bạn học cấp 3 năm 1985 – 1988 tại Giá Rai. Các bạn học xem anh như vị “chủ tịch” của nhóm. Nhờ thông tin của anh mà mọi người mới biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình anh Hoàng.
Em Tô Tùng Linh mang chứng bệnh suy thận giai đoạn cuối
Em Tô Tùng Linh sinh năm 1992 là con lớn của anh Hoàng - chị Cho, em bị bệnh suy thận giai đoạn cuối trong gia đình có 4 anh em. Đứa em trai kế sinh năm 1994 cũng làm phụ hồ tại Sài Gòn, đứa em gái sinh năm 1996, đứa út 5 tuổi đang ở nhờ nhà thím dâu tại quê. Lúc 17 tuổi (năm 2009) em phát bệnh, gia đình cố gắng chạy chữa. Cũng kể từ đó gia đình bắt đầu thiếu hụt, kinh tế kiệt quệ, làm được đồng nào đều đổ vào tiền thuốc. Đến năm em 23 tuổi (năm 2015) tạm thời cắt thuốc, sức khoẻ em dần ổn định và theo ba mẹ lên Sài Gòn làm phụ hồ để kiếm tiền trả nợ.
Và rồi, định mệnh lại ập tới với em.
Năm ngoái (2017) trong buổi chiều em cùng ba đi làm về thấy bạn bị tai nạn trên đường, em đưa bạn vào bệnh viện Quận 9. Tối đó em ho ra máu, thận em đau lại, cơn đau dữ dội đã làm em quỵ xuống rồi bất tỉnh. Sẵn trong bệnh viện em được cấp cứu, bệnh viện Quận 9 chuẩn đoán bệnh tình em quá nặng nên chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm.
Theo kết quả trả về từ bệnh viện, em bị suy thận giai đoạn cuối, gia đình lại quá nghèo không tiền chữa chạy cho em vì phải lo trả lãi và nợ từ lúc em mới phát bệnh lần đầu. Em được chạy thận 1 tuần tại Chợ Rẫy với chi phí 6 triệu 1 ngày. Kinh tế gia đình lúc bấy giờ không thể lo xể nếu em lưu lại Chợ Rẫy. Em được đưa về bệnh viện Giá Rai để chi phí được nhẹ hơn. Cũng nhờ có bảo hiểm, hiện tại mỗi tuần 3 buổi em phải đến bệnh viện chạy thận để giữ tính mạng, chưa biết về sau sẽ cầm cự được bao lâu.
Cuộc sống em lúc này như chỉ mành treo trước gió vì tài chính hiện tại của gia đình em đang cạn kiệt. Ngày trôi qua, cuộc sống của cậu con trai ngoài 26 tuổi là bốn bức tường, là máu, là dây chuyền, là kim tiêm. Hai cánh tay em mạch máu nỗi to như rễ cây vì bị luồn dây vào. Bất lực với chính mình, tuyệt vọng với cuộc sống, nhiều đêm Linh chỉ muốn mình chết đi để không làm gánh nặng cho gia đình. Nhưng nghĩ mình chết đi mẹ sẽ như thế nào đây, con kiến còn muốn sống nữa mà, chàng trai đáng thương ấy chỉ biết ôm mẹ khóc.
Chúng tôi tiếp xúc với gia đinh em Tô Tùng Linh. Từ trái sang – Doanh nhân Nguyễn Nguyệt Hằng, Phó trưởng Ban Xúc tiến Thương mại Đầu tư CLB Doanh nhân Đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc công ty TNHH Sài Gòn Ánh Dương; Em Tô Hoài Linh; Chị Lương Thị Cho (mẹ em Linh); Anh Tô Văn Hoàng (ba em Linh); Anh Bùi Văn Út, bạn học chị Hằng và anh Hoàng.
Linh chua xót tâm sự: “Con là đứa con lớn trong nhà không giúp ích gì mà là gánh nặng cho gia đình. Khi học xong lớp 12 con chưa báo đáp được gì lại khiến gia đình khổ hơn. Có những lúc con ước mình chết đi hoặc là mình đừng có mặt trên thế gian này thì có lẽ ba mẹ cùng mấy em đâu phải khổ vậy. Ba mẹ kêu bán nhà, nhưng khi bán rồi thì cũng không đủ tiền cứu con chú ơi!. Lúc đó mấy đứa em của con biết tá túc ở đâu...” – nói tới đó, Linh nhắm nghiền mắt lại như không muốn nghĩ đến tương lai khốn khó của gia đình nữa. Chúng tôi hiểu biết bao nỗi dằn dặt, day dứt của em vì phía trước em là đường hầm heo hút tối.
Bây giờ chỉ mong lòng cứu giúp của cộng đồng, của những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân mà thôi. Nếu có đủ tiền em sẽ được thay thận thì may ra cuộc sống của em mới thoát khỏi tay thần chết.
Các nhân chứng tại gia đình em Tô Tùng Linh
Hôm 28/4 chúng tôi đã về gặp em, tận mục sở thị chổ em nương náo. Ngôi nhà xiêu vẹo, xập xệ, đìu hiu, tềnh tàng, bên trong trống hoác trống huơ, không có thứ gì đáng giá. Cha mẹ và em của em đã lên Sài Gòn làm phụ hồ kiếm tiền gửi về cho em chạy thận. Căn nhà mục nát gần như sắp đỗ, nhìn cảnh tan hoang mà đau lòng. Chúng tôi đi quanh xóm để xác minh thông tin có đúng vậy không.
Ngôi nhà xiêu vẹo, xập xệ, đìu hiu, tềnh tàng, bên trong trống hoác trống huơ, không có thứ gì đáng giá.
Trong một số người chúng tôi gặp có chị Đường Mỹ Hoa 38 tuổi ngụ tại Ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai cho biết: “Tội nghiệp thằng Linh lắm, thân mang bệnh tật mà ở nhà chỉ một mình tự lo liệu, cha mẹ nghèo quá phải lên Sài Gòn làm thuê gửi tiền cho nó chạy thận. Nghe đâu anh Hoàng đang kêu bán căn nhà, hỏng biết khi bán rồi anh em nó ở đâu. Gia cảnh của gia đình nó thế này thì tới bao giờ mới thoát được nghèo, mới hết được khổ đau...”.
Chị Đường Mỹ Hoa 38 tuổi và bà Phạm Thị Nga 76 tuổi ngụ tại Ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai nói về hoàn cảnh gia đình em Linh.
Cũng gần đó, bà Phạm Thị Nga 76 tuổi cho hay “Lúc thằng Linh chưa đổ bệnh, chắc cũng năm 2003 hay 2005 gì đó, gia đình nó cũng khá. Vợ chồng thằng Hoàng lo chí thú làm ăn, tụi nó đi buôn gạo tận Cà Mau. Lúc ấy tụi nó bán thiếu cho các chủ vuông tôm, tới con nước mới lấy tiền nên dần dần lâm vào tình cảnh nghèo khổ như vậy. Vì vào những mùa tôm thất bát họ hẹn hoài, thằng Hoàng phải tới lui gom tiền, làm riết được thời gian thì cụt vốn luôn, ruộng thì cầm cố hết. Phải chi có vốn nhiều bán gạo sỹ, đừng ham lời mà bán lẽ thì không nợ nần chồng chất như vậy...”.
Chúng tôi cũng chưa thật tin tưởng, đã tìm đến anh Lâm Quốc Minh sinh năm 1962, là Trưởng Ban nhân dân Ấp 18 xã Phong Thạnh A. Anh Minh nói “Vợ chồng thằng Hoàng lo chí thú làm ăn lắm, ngoặt vì thằng Linh, thằng con trai lớn của nó bị bệnh triền miên nên gia đình nó mới ra nông nổi đó. Tụi nó không ăn chơi, không cờ bạc rượu chè gì cả. Chỉ vì không may con bị bệnh mà vợ chồng phải tha phương, con trai nó có thể chết bất cứ lúc nào...”.
Anh Lâm Quốc Minh (áo trắng) sinh năm 1962, là Trưởng Ban nhân dân Ấp 18 xã Phong Thạnh A; anh Bùi Văn Út (ngồi giữa), đại diện nhóm bạn học cấp 3 năm 1985 – 1988 tại Giá Rai và cháu Huỳnh Minh Tuấn, người đồng hành xác minh thông tin gia đình em Linh .
Những trăn trở của vợ chồng anh Hoàng - chị Cho
Quay trở lại gia đình anh Hoàng, chúng tôi nghe anh buồn rầu: “Tui đã làm đủ thứ nghề, cuối cùng cũng phải theo phụ hồ. Làm phụ hồ công ngày cũng chẳng được là bao chú à! Không làm thì biết lấy gì mà sống, mà lo tiền chạy thận cho thằng Linh. Cũng là phận người nhưng khổ thân cho con tui quá. Nó sống mà như chết rồi, cuộc sống đường cùng, vợ chồng tui cũng chỉ còn biết gắng sức nuôi được ngày nào hay ngày ấy. Có mấy công ruộng cũng đã cố hết rồi, bây giờ tới lúc hoàn vốn cho người ta, hỏng biết phải làm sao nữa. Căn nhà sắp sập này tui cũng kêu bán gần năm nay, bán rồi không biết 3 đứa em nó sống ở đâu. Nhưng việc cần phải làm trước, mạng người là quan trọng chú à! Số phận bắt mình phải vậy, nhà nghèo biết làm sao khá được. Nếu có đủ tiền thay thận, tôi nguyện hiến thận cho con tui ngay”.
Vợ anh Hoàng, chị Cho – người đàn bà cũ kỹ, khuôn mặt với những nét khắc khổ đến đáng thương. Chị sụt sùi: “Bệnh suy thận giai đoạn cuối của thằng Linh càng ngày càng nặng mà gia đình tui thì chẳng biết xoay đâu ra tiền nữa rồi. Ở đây cuộc sống vốn đã khó khăn, vợ chồng tui phải bỏ quê để lên Sài Gòn làm phụ hồ kiếm tiền. Thời gian đầu cháu mới phát bệnh, vợ chồng tui đưa nó đi hết chổ này đến chổ nọ để chữa chạy, nào thuốc Nam rồi thuốc Bắc, rồi quay về thuốc Tây. Bất kể nghe ai chỉ gì cũng làm theo, tốn kém đủ đường. Tiền bạc có đồng nào ra đi hết đồng đó. Gia cảnh hai bên đều khó khăn, có nhiêu thì đã giúp rồi, vợ chồng phải năn nỉ vay từng đồng vì sợ bỏ không điều trị, con sẽ nguy kịch. Tụi tui cố mãi giờ hết nổi rồi. Chẳng cha mẹ nào bỏ mặc con đâu nhưng mà hoàn cảnh hiện tại như vậy thì tụi tui cũng không biết tính sao. Có ghép thận cũng phải chi phí hàng trăm triệu đồng. Nhà thì cũng rao bán rồi, nhưng căn nhà rách nát này bán được bao nhiêu đâu chú! Nó còn 3 đứa em nữa. Nếu bà con cô bác giúp đỡ tiền thay thận cho nó tui nguyện cho nó thận ngay. Các bạn của nó bây giờ đã lập gia đình hết rồi, còn nó thì như vậy, đau lòng quá chú ơi! Chỉ cần ông trời cứu lấy con tui, tui chịu gì cũng được, nó còn trẻ quá...”.
Mong sao có được phép mầu
Từ giã gia đình anh Hoàng mà lòng quặn đau. Một gia đình có con bệnh suy thận giai đoạn cuối đã phải bán đi tất cả những gì có thể bán,vay ở tất cả những nơi có thể vay để duy trì sự sống cho con cũng là duy trì niềm an ủi cho mình. Giờ đây, gia đình ấy đã không còn biết phải làm sao để tiếp tục có tiền chữa trị cho con. Vợ chồng ước muốn hiến thận cho con nhưng chi phí cho một ca ghép thận với gia đình lúc này là điều không tưởng.
Chúng tôi chẳng biết an ủi ra sao, cũng chẳng dám nghĩ đến những ngày sắp tới. Và rồi, em Linh sẽ tiếp tục trong cuộc hành trình níu kéo sự sống ra sao! Chỉ biết, trước mắt em là cả một bầu trời u ám với đầy rẫy nỗi đau cùng cực... Quay xe để trở về cho kịp sáng mai đi làm, đường về Sài Gòn còn xa nhưng có đích đến, nhìn tình cảnh của em không biết sẽ đi về đâu. Suốt quãng đường luôn lẫn quẩn trong đầu bốn câu thơ đã từng được đọc đâu đó:
“Người với người, luôn yêu thương giúp đỡ
Biết sẻ chia, lòng nhân ái bao la
Hãy dang tay, với mảnh đời cơ nhỡ
Những tấm lòng, luôn rộng mở thiết tha!”
Mong rằng cộng đồng, những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm, cảm thông và thấu hiểu cho trường hợp gia đình em Linh qua bài viết này. Xin mở rộng lòng từ bi giang tay cứu giúp một mạng người đang cần lắm những sẻ chia. “Thương người như thể thương thân” mà...
Sài Gòn vào mưa (29 - 3 -2018)
Hôm nay 21 – 5 - 2108, theo thông tin từ khoa tiết niệu - ghép thận bệnh viện Chợ Rẫy, số tiền ghép thận dự trù khoảng 300 triệu - 500 triệu đồng. Lúc ghép tạm ứng cho bệnh viện khoảng 150 triệu, số tiền còn lại dự phòng các tai biến ngoài ý muốn. Khi ghép xong tiền thuốc mỗi tháng khoảng 2 triệu - 8 triệu sau khi trừ bảo hiểm và tuỳ vào thuốc sau ghép.
Hiện tại CLB Doanh nhân thuộc Ban liên lạc Đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được 80 triệu đồng tiền ủng hộ từ các Đồng hương đến em Tô Tùng Linh. Cần lắm những tấm lòng mở rộng vòng tay sẻ chia để giúp em Linh các bước tiếp theo trong cuộc ghép thận được tiến hành tốt đẹp.
Mọi đóng góp có thể gửi về:
Tên TK : BLL DH BẠC LIÊU-CÀ MAU TẠI TP.HCM
Số TK : 0371 0009 46994
Ngân Hàng: VIETCOMBANK- CN TÂN ĐỊNH
Nội dung: Ủng hộ Tô Tùng Linh – Suy thận