Dung xin HĐXX xem xét lại hành vi, vai trò, quyền hạn của mình trong việc phát hành trái phiếu của Setra. Với quyền Phó Tổng Giám đốc khối, Dung không có quyền quyết định, không có quyền chỉ đạo, không có quyền xen vào hay hỏi gì liên quan đến trái phiếu.
Sáng 9/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hang SCB và các đơn vị liên quan với phần bào chữa của các luật sư.
Các bị cáo tại toà.
Cũng giống như các luật sư khác, luật sư bào chữa bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (trong giai đoạn này là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng SCB) không tranh luận về tội danh và các điều, khoản như cáo trạng VKSND tối cao truy tố. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá đúng vai trò, hành vi của thân chủ mình, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ dưới mức VKS đã đề nghị.
Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói từ khi vụ án xảy ra, tại giai đoạn 1 bị cáo luôn đối diện với tinh thần chấp nhận mọi hành vi mình làm, không né tránh, thẳng thắng nhìn nhận mọi sai lầm. Bị cáo tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, mong vụ án sớm kết thúc.
Bị cáo Dung nói, khi nhận được quyết định khởi tố trong giai đoạn 2 với tội danh là “Rửa tiền” và “Chiếm đoạt tài sản” Dung rất sốc. “Bị cáo không nghĩ mình đã làm sai các quy định ở 2 tội danh này. Tuy nhiên, sau khi bị cáo làm việc với Cơ quan điều tra, VKS, được giải thích thì bi cáo nhận thức được hành vi của mình”, bị cáo Dung trình bày.
Về tội danh “Rửa tiền”, bị cáo Dung không có ý kiến bào chữa bổ sung.
Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Dung nói “Đối với gói trái phiếu này thì bị cáo không làm gì cả, ngoài việc chuyển chỉ đạo của lãnh đạo tới các đơn vị kinh doanh thông qua tin nhắn Telegram. Ngoài ra, bị cáo không biết gì cũng không làm gì cho tới khi bị khởi tố”.
Về việc phát hành trái phiếu của Setra bị cáo Dung nó có 2 vấn đề: “Thứ nhất, bị cáo có tham gia cuộc họp phát hành trái phiếu với vai trò là Phó Tổng Giám đốc khối phụ trách tín dụng của Ngân hàng. Bị cáo không có liên quan gì tới trái phiếu, tham gia cuộc họp đó với vai trò là thư ký của lãnh đạo. Bị cáo không có bất kỳ ý kiến nào về phương án dòng tiền, chọn công ty nào phát hành trái phiếu, công ty nào mua trái phiếu sơ cấp và việc sử dụng tiền bị cáo cũng không biết”.
“Thứ hai là chỉ đạo của lãnh đạo thực hiện các giao dịch để Công ty Setra phát hành trái phiếu thông qua tin nhắn Telegram. Việc phát hành trái phiếu và sử dụng dòng tiền, nếu bị cáo không nhắn tin thì giao dịch đó vẫn xảy ra. Bằng chứng là đối với trái phiếu của Quang Thuận 1.500 tỷ đồng, để chạy dòng tiền sau khi lập các chứng từ thì Nguyễn Phương Anh liên hệ với Bùi Anh Dũng để thực hiện các giao dịch mà không cần thông qua hay có chỉ đạo của Hội sở”, bị cáo Dung nói.
Bị cáo Dung cho rằng việc lập group Telegram năm 2019 là không phục vụ cho trái phiếu, không phục vụ cho tín dụng mà phục vụ cho hoạt động kinh doanh bình thường của đơn vị.
Bị cáo Dung nói thật sự hối hận, bị dằn xé lương tâm bởi vì hậu quả vụ án để lại quá lớn, ảnh hưởng tới rất nhiều bị hại, rất nhiều người, nhiều cán bộ nhân viên của SCB phải đi tù.
Bị cáo Dung khóc nói “Những người đó là những người đồng cam cộng khổ với bị cáo. Bị cáo cùng nhân viên SCB làm việc rất vất vả, mong muốn ngày nào đó SCB vượt qua khó khăn, sánh vai với các ngân hàng bạn”.
Dung nói việc xảy ra như vầy không ai mong muốn “Bị cáo xin chân thành xin lỗi các bị hại trong vụ án này, ai làm sai cũng phải trả giá, nhưng bị cáo đã trả giá quá đắt cho hành vi của mình. Trong giai đoạn 2 của vụ án, VKS đề nghị cho bị cáo từ 14-16 năm tù, riêng tội chiếm đoạt tài sản là 7-8 năm tù, bị cáo thấy mức án này quá nghiêm khắc. Cộng cả 2 giai đoạn bị cáo phải lãnh 30-32 năm tù”.
Các luật sư tại toà.
“Trước phiên toà này xảy ra, bị cáo đã buông xuôi tất cả, nhưng hàng ngày trên đường từ toà về trại tạm giam bị cáo thấy người thân của mình, cha mẹ của mình đứng chờ bị cáo. Bị cáo nghẹn ngào thấy con trai 8 tuổi của mình đứng vẫy tay chào mẹ bên đường thật sự bị cáo quá đau lòng… Với mức án này tuổi thơ và tuổi trưởng thành của con bị cáo sẽ không có mẹ”, bị cáo Dung khóc nói.
Bị cáo Dung xin HĐXX, VKS xem xét lại hành vi, vai trò, quyền hạn của mình trong việc phát hành trái phiếu của Setra. Với quyền Phó Giám đốc khối, bị cáo Dung không có quyền quyết định, không có quyền chỉ đạo, không có quyền xen vào hay hỏi điều gì liên quan đến trái phiếu.
Cuối cùng bị cáo Dung mong HĐXX xem xét với vai trò là người làm công ăn lương, thư ký của lãnh đạo, là người chuyển chỉ đạo của lãnh đạo xuống đơn vị kinh doanh… cho mình mức án khoan hồng, nhân văn, thấu tình đạt lý để có cơ hội sớm trở về với con và gia đình.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trong giai đoạn này được bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng SCB. Dung tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng và nhận phương án dòng tiền khống do Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh lập.
Sau đó chỉ đạo Bùi Anh Dũng (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành) hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, giúp sức Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.