Ngày 24/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm tiếp tục phần luật sư tham gia xét hỏi.
Sau khi VKS thẩm vấn xong, luật sư bào chữa tiến hành hỏi các bị cáo liên quan tới hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng bị cáo Lan bị cáo buộc có hành vi sai phạm trong việc phát hành trái phiếu, lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của gần 36.000 bị hại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan), bị cáo Lan cho rằng mình và Vạn Thịnh Phát "dư sức" phát hành 200.000 tỷ đồng nhưng không làm, không có nhu cầu. Bị cáo Lan nói chỉ làm mọi việc nhằm cứu Ngân hàng SCB.
Khi được hỏi về thực trạng SCB, bị cáo Lan nói mình chỉ là một cổ đông, không trực tiếp điều hành, không biết về vấn đề tài chính của ngân hàng này. Đồng thời, cho rằng mình làm mọi việc nhằm đưa nhà băng này thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Bị cáo Lan cho biết thời gian đó, chi phí để SCB tồn tại là 61.000 tỷ. Trong khi nguồn thu vào từ việc phát hành trái phiếu chỉ 11.000 tỷ, còn 50.000 tỷ vay từ bị cáo và nguồn khác là bạn bè của bị cáo.
Bị cáo Lan cho rằng mình không che giấu thông tin nên không thể nói là lừa đảo. Vì đối với số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu (hơn 30.000 tỷ) thì 11.000 tỷ đã sử dụng cho Ngân hàng SCB, còn hơn 17.000 tỷ là tiền phát hành trái phiếu tại nhiều ngân hàng liên quan.
Bị cáo Lan đề nghị HĐXX thu hồi tiền để chi trả cho các trái chủ. “Nếu có tranh chấp dân sự giữa các đơn vị liên quan với các trái chủ thì bị cáo sẽ đứng ra nhận trách nhiệm về phần này”, bị cáo Lan nói.
Khi luật sư hỏi về việc chuyển nhượng tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) để khắc phục hậu quả, bị cáo Lan nói đây là tòa nhà đẹp nhất Hà Nội. Trước đây có người trả 1 tỷ USD nhưng bị cáo không bán. Hiện tại toà nhà này đang nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD.
Luật sư Phan Trung Hoài.
“Bây giờ có người trả 350 – 400 triệu USD thì bị cáo cũng chịu bán, nhưng khi trả nợ thế chấp xong thì chỉ còn khoảng 2.000 tỷ đồng nên bị cáo muốn tìm nhà đầu tư trả giá cao hơn 1 chút để khắc phục hậu quả vụ án”, bị cáo Lan nói.
Còn dự án 6A tại huyện Bình Chánh có diện tích 26ha, bị cáo Lan nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đền bù gần 20 năm, chỉ còn 1 ít chưa đền bù. Hiện tại khu Trung Sơn chỉ còn khu đất này, đã có lúc nhiều nhà đầu tư trả mức giá 30.000-50.000 tỷ đồng nhưng không bán vì chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.
“Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đền bù 40.000 tỷ nhưng bây giờ 20.000 tỷ cũng được. Bị cáo đồng ý bán rẻ mười mấy đến hai 20.000 tỷ cũng bán, chỉ cần có tiền khắc phục hậu quả. Những năm qua người mua trái phiếu đã rất thiệt thòi”, bị cáo Lan trình bày.
Tiếp đó, bị cáo Lan nói nếu các tài sản trên không đủ, bị cáo còn có 1 dự án Amigo ở khu trung tâm Quận 1 (đối diện tòa nhà Saigon Timesquare) có giá trị gấp 3 lần Times Square, đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư suốt 30 năm qua, là tài sản chưa bị kê biên sẽ dùng để khắc phục hậu quả.
“Trước khi bị cáo bị bắt, Chính phủ đã đồng ý khởi động lại dự án. Bị cáo đồng ý mang Amigo ra để giải quyết", bị cáo Lan nói.