Hiện trường buổi thực nghiệm
Đột ngột rút hồ sơ
Trước đó CL&XH đã đăng tải nhiều bài viết Bình Thuận: Nghi vấn vướng vào lao lý vì mâu thuẫn cá nhânvà Bình Thuận: Nghi vấn giả chứng cứ, chèn ép doanh nghiệpvề vụ việc ông Phùng Thạch Đông (sinh năm 1967, trú tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình) đang bị quy buộc, chuẩn bị đưa ra xét xử về Tội cố ý gây thương tích, theo khoản 2 Điều 134BLHS. Đáng nói gia đình bị cáo cho biết, vụ án này là oan sai, bắt nguồn từ việc ông Ngô Minh Hoàng (SN 1983 - Xã đội trưởng xã Sông Lũy) muốn trả thù gia đình bị cáo, vì trước đó con trai bị cáo Đông tố cáo ông Hoàng có liên quan đến việc bảo kê của nhóm giang hồ tại Nhà máy Điện năng lượng Mặt Trời Sông Lũy 1.
Ngày 9/1, Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) tiếp tục xét xử vụ án ông Phùng Thạch Đông (sinh năm 1967, trú tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình) về hành vi cố ý gây thương tích.
Người làm chứng, luật sư nhận được giấy triệu tập thực nghiệm điều tra của VKSND huyện Bắc Bình
Tuy nhiên phiên tòa đã bị tạm hoãn, hiện chưa có lịch xét xử tiếp theo. Lý do hội đồng xét xử đưa ra là vắng mặt bà Ngọc – nhân viên trạm Y tế xã Sông Lũy – nơi sơ cứu cho bị hại Ngô Minh Hoàng (SN 1983 - Xã đội trưởng xã Sông Lũy).
Luật sư Nguyễn Văn Dũ - Trưởng Văn phòng luật sư Chuyên Chính – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh có đề nghị Tòa hủy bỏ lệnh tạm giam với ông Đông nhưng không được chấp thuận mà không đưa ra lý do.
Đáng nói vào ngày 19/2, luật sư và bị hại, người làm chứng bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Bắc Bình, yêu cầu đến hiện trường vụ án để thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra bắt đầu vào ngày 24/2.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân – Đoàn Luật sư Đồng Nai, người bào chữa cho ông Đông chia sẻ: “Nhận được giấy triệu tập, tôi lấy làm khó hiểu, tại sao Tòa đang xử mà VKSND lại thực hiện thực nghiệm điều tra. Giấy triệu tập là của VKSND chứ không phải của Tòa. Vì nếu Tòa đang xử thì việc trích xuất bị can, bị cáo thuộc thẩm quyền Tòa”.
Càng khó hiểu hơn, qua đại diện VKSND được biết VKSND đã xin rút hồ sơ từ Tòa để điều tra bổ sung.
Theo LS Nguyễn Văn Dũ - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, người bào chữa cho ông Đông: “Đó là một vi phạm nghiêm trọng, VKSND rút hồ sơ, Tòa án chấp nhận trả để điều tra bổ sung nhưng không thông báo cho luật sư, người liên quan biết. Quyền rút hồ sơ là của VKSND nhưng chúng tôi phải được biết”.
Thực tế trong vụ án này, thực nghiệm điều tra rất quan trọng bởi vì ông Đông không thừa nhận hành vi đâm anh Hoàng, các nhân chứng lời khai mâu thuẫn với nhau. Anh Hoàng cũng có lời khai bất nhất từ vị trí, tư thế mà ông Đông đâm. Hung khí không tìm được.
Đánh giá về việc thực nghiệm điều tra, Luật sư Dũ cho biết: Thực nghiệm điều tra sẽ thấy rõ được lời khai của ai là đúng, làm rõ được tư thế, vị trí đâm có gây ra thương tích cho anh Hoàng hay không? Từ đó có cơ sở để xem xét vụ án. Ngoài việc tự thực nghiệm điều tra có lập vi bằng, tôi còn dự trù sẽ xin HĐXX thực nghiệm ngay tại tòa. Nay VKSND chấp thuận và đã thực nghiệm là quý, dù chậm. Còn thực nghiệm đúng hay sai thì sẽ phân tích trong phiên tòa sắp tới dự kiến diễn ra ngày 9/3.
Tạm giam vô căn cứ
Suốt quá trình tham gia bào chữa cho bị cáo, Luật sư đã nhiều lần đề nghị Tòa cho phép bị cáo Đông được tại ngoại. Bởi theo Luật sư Dũ, việc tạm giam ông Đông của Viện kiểm sát là không có căn cứ.
Cụ thể, Luật sư phân tích: Điểm đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS quy định về căn cứ tạm giam đối với tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp như: Có hành vi mua tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án.
Tuy bị cáo Đông không thuộc bất cứ điều kiện tạm giam nào nhưng CQĐT và Viện kiểm sát quyết định bắt tạm giam bị cáo.
Ngày 3/6/2019 Luật sư làm Kiến nghị số 01 yêu cầu hủy bỏ tạm giam đối với bị cáo Đông. Ngày 13/6/2019 Viện trưởng VKSND huyện Bắc Bình ban hành Văn bản số 178/VKS-HS trả lời như sau: “…Sau khi tấn công ông Hoàng gây thương tích, thì Phùng Thạch Đông đã có hành vi lấy 2 biển số xe ô tô đưa cho tài xế để gắn lại vào xe vi phạm, tạo điều kiện tẩu tán phương tiện liên quan đến vụ án và thực tế xe ô tô này đã di chuyển khỏi địa bàn… do vậy, việc bị can Phùng Thạch Đông bị bắt tạm giam là có căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.”
Luật sư Dũ cho rằng, nội dung trả lời trên hoàn toàn không đúng sự thật và không đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vì bị cáo Đông không lấy 02 biển số xe đưa cho tài xế gắn vào xe ô tô chở đất để xe này rời khỏi nơi bị chặn bắt. Việc này thể hiện ngay trong cáo trạng. Theo đó, Dũng – con của bị cáo lấy 02 biển số xe từ tay Đồng bỏ lên xe ô tô bán tải chạy về nhà. Sau đó, tài xế xe ô tô bị chặn bắt (Nguyễn Văn Trường) điều khiển xe ô tô bị chặn bắt về nhà bị cáo Đông, rồi biển số được gắn lại vào xe. Xe này là xe thuê chứ không phải xe của con bị cáo Đông. Sau khi không thuê thì xe về với chủ, không có tẩu tán tài sản gì ở đây.
Từ những căn cứ trên Luật sư nhận định: Viện kiểm sát biết tạm giam bị cáo sai nhưng vẫn cố tạm giam.
Luật sư cũng cho biết, khi hồ sơ vụ án đến Tòa, trong hồ sơ đã có đơn xin bảo lãnh nhưng không hiểu sao cho đến lúc này, Tòa vẫn tiếp tục tạm giam bị cáo Đông một cách vô căn cứ.
Được biết, hiện tình hình bệnh tật của ông Đông không tốt, gia đình hàng tuần vẫn phải mua thuốc gửi vào trại tạm giam. “Bố tôi bị gút nặng, chân sưng phù, rất đau đớn. Lần nào thăm gặp cũng thấy ông đau đớn đến phát khóc, đi lại khó khăn. Chúng tôi nhiều lần xin bảo lĩnh nhưng không được”, con gái ông Đông chia sẻ.