Bộ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội nói về thực trạng hiện nay: "Khi xin họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp. Nhưng thưa thật với các anh chị không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có hội trụ sở chính, có hội trụ sở phụ. Có hội khi chúng tôi đề nghị trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn. Rồi xe pháo, phương tiện đủ các loại".
Bộ trưởng Dung cho rằng hiện nay vấn đề về hội rất đa dạng, phức tạp nhưng luật về hội chưa được ban hành. Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, đều vì đất nước tuy nhiên có rất nhiều chuyện phải bàn khi xét quá trình tổ chức, hoạt động. Các hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang hội đặc thù phải phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động.
Bên cạnh đó, hầu hết các hội sau khi thành lập đều "tách ra" hoạt động riêng dù quy định hội trực thuộc sự quản lý cơ quan nhà nước. Mặt khác còn đề nghị bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử thứ trưởng sang làm thành viên hội đó.
Bộ trưởng Dung đề nghị phải siết lại việc thành lập, tổ chức hội từ những vấn đề trên.
"Nếu chưa có luật hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt hội đặc thù sang hội tự chủ tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho cho trung ương và địa phương", Bộ trưởng Dung đề nghị.
Về vấn đề quỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nói thêm: không nên đưa các loại quỹ vào luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Quốc hội nên giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ hội. Nhiều hội thu quỹ lớn, bao gồm quỹ quốc tế, quỹ trong nước nhưng hoạt động như thế nào không ai biết.
Về thực trạng "loạn quỹ", Bộ trưởng Dung nêu "Bộ tôi hiện nay có 38 loại quỹ nhưng bộ trưởng không nắm được quỹ gì. Nghị định quy định bộ trưởng làm quản lý nhà nước nhưng quy định quản lý hội, quỹ thế nào không có. Muốn thanh tra kiểm tra thì không có quyền".
Link gốc đây