Một khu nhà ở tự phát tại ấp Tân Điền, xã long Thượng, huyện Cần Giuộc đang rao bán
Xây nhà “ba chung” bán giấy tay
Hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) là địa bàn gần TP HCM, khi các tuyến đường giao thông liên xã mọc lên kéo theo nhiều dãy nhà xây trên đất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Cần Giuộc hiện có gần 50 khu dân cư tự phát tập trung với hơn 1.000 căn nhà tại các xã Phước Lý, Long Thượng, Tân Kim...
Huyện Cần Đước cũng trong tình trạng tương tự, khoảng gần 70 điểm nhà ở do tư nhân tự xây bán, trong đó có nhiều nơi qui mô lớn. Lẽ ra tư nhân phải thành lập doanh nghiệp, xin phép lập dự án theo quy định. Nhiều nơi đã ra dáng dãy phố khu dân cư nhưng đường vẫn là đường đất hoặc bê tông, hệ thống cống thoát nước, điện tự câu nối... thiếu nhiều hạng mục về hạ tầng đô thị. Nhà ở nông thôn mà cứ xây cất san sát nhau, không đảm bảo các điều kiện về chất lượng công trình, kết nối hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.
Điều đáng nói do nhà diện tích nhỏ không đủ điều kiện tách thửa nên các khu nhà này đều thuộc diện “ba chung”. Nhà “ba chung” là sử dụng chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà.
Theo người dân địa phương thì "cò" hay nhà đầu tư từ TP HCM đến đây mua mảnh ruộng lớn hoặc gom đất của nhiều hộ dân ven đường rồi san lấp, xây nhà “ba chung” liên kế giống hệt nhau. Mỗi nhà xây trệt một tầng có diện tích đất từ 90-100m với giá trên 500 triệu đến một tỉ, người mua phần lớn là dân bị di dời, giải toả từ các công trình, dự án. Khi có người mua thì "cò" bán, "cò" nhận tiền rồi nhờ người dân địa phương đứng tên giùm làm thủ tục công chứng, nếu lỡ xảy ra trục trặc gì về pháp lý hay thủ tục thì giữa người đứng tên giùm và khách mua tự giải quyết.” Đa phần mua bán nhà “ba chung” là giấy tay rồi lập vi bằng làm chứng lúc giao tiền, giao nhà.Việc lập vi bằng ẩn chứa nhiều rủi ro, thực chất nhằm che dấu mục đích giao dịch không phù hợp với qui định pháp luật. Dù đã được chính quyền cảnh báo và cấm mua bán nhà bằng hình thức lập vi bằng nhưng các tay đầu cơ vẫn lợi dụng để lừa bán nhà, đất.
Dân xây không được còn “cò” vô tư
Đó là lời than phiền của người dân ấp Tân Điền, xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc, Long An). Nhà ông Nguyễn Văn Bé có bảy người con thì năm người đã lập gia đình muốn tách ra sống riêng nhưng không được nên sống chung trong một mái nhà. “Nhiều lần xin xã rồi huyện được tách thửa, xây nhà sao mà quá khó. Trong khi cách nhà tôi vài bước của "cò" mua đất ruộng, san lấp rồi xây hàng loạt nhà rao bán vài trăm triệu đến cả tỉ đồng một căn "- ông Bé thắc mắc.
Ven đường ĐT 4 (ấp Tân Điền, xã Long Thượng) hàng ngày các xe ben chở đất đá san lấp ra vào liên tục, gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường trầm trọng. “Bụi mù mịt, chúng tôi sống hai bên đường chịu không nổi nữa nên mới chặn xe, yêu cầu tài xế cho xe chạy chậm lại, kêu cứu xã nhiều lần nhưng không ai thèm nghe”.
Không riêng xã Long Thượng, tại các xã lân cận như Phước Lý, Long Hậu, Tân Kim… tình trạng xây dựng không phép xã diễn ra còn “kinh khủng” hơn. Nhiều đất nông nghiệp trước đây vài tháng còn trống nay nhìn lại thấy nhà xây san sát nhau. Trách nhiệm của xã là chỉ đến trước khu dân cư tự phát cắm biển thông báo “Khu vực xây dựng không đảm bảo về hạ tầng kỷ thuật theo quyết định số 55/2016QĐ-UBND của UBND tỉnh Long An” rồi ra về.
Trong quá trình thâm nhập, chúng tôi đã nắm được tên tuổi các “ông chủ” về làm “dự án nhà ở” tại đây như ông Phi, ông Trường , ông Thanh, anh Duy, bà Vân, bà Thủy… họ có sẵn trong tay xe xúc, xe ben, lực lượng thợ xây dựng hùng hậu . Hàng loạt căn nhà xây dựng công khai tại đây được chính quyền xã xác nhận làphù hợpqui hoạch nhưng không khiến người dân hoài nghi. Sởdĩ chủ đầu tư có thể vận hành một “dự ánnhà ở” trơn trunhư vậy là nhờ vào quan hệ mật thiếtvới một số cán bộ xã, huyện.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tuấn Thanh- chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho biết theo qui hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thì đất ở cập đường giao thông nông thôn đều được qui hoạch đất ở "Những khó khăn vướng mắc đó chúng tôi nhận thấy và liên tục báo cáo, kiến nghị về UBND tỉnh tìm cách giải quyết, thậm chí có thể xin tạm dừng việc giải quyết hồ sơ xin tách thửa, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn do vướng từ quy định pháp luật quản lý trong khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh… " - ông Thanh trần tình.
Cụ thể, theo ông Thanh, quy định tại khoản 1, điều 7, quyết định số 52/2014 của UBND tỉnh Long An về diện tích đất tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn trên đia bàn tỉnh Long An: "Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tách thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch là đất ở để chuyển mục đích sang đất ở hoặc chuyển quyền kết hợp với chuyển mục đích sang đất ở thì diện tích tối thiểu của thửa đất mới được hình thành do tách thửa và thửa đất còn lại sau khi tách thửa thực hiện theo quy định tại điều 4, điều 5 của quy định này. Đồng thời, thửa đất nông nghiệp còn lại không bắt buộc phải chuyển mục đích sang đất ở".Bên cạnh đó, theo quy định Luật xây dựng 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) thì các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không phải xin giấy phép xây dựng.
Từ đó, các đối tượng "cò" dựa vào thông tin quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất công khai, xác định các vị trí đất được cho phép chuyển mục đích. Thông qua một số hộ gia đình nông dân, cá nhân tại địa phương lập hồ sơ xin tách thửa kết hợp chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng. Sau khi các hộ gia đình, cá nhân đã được giải quyết cho chuyển mục đích thì "cò" mua lại. Tiếp đó, "cò" hợp thửa, rồi lại phân lô theo đúng diện tích tối thiểu và chuyển nhượng, xây nhiều nhà liền kề, hình thành các khu dân cư tập trung. Một số hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng phần đất được chuyển mục đích xong lại tiếp tục xin chuyển nhượng kết hợp chuyển mục đích, nhiều vị trí chuyển mục đích sai quy hoạch.
“Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc hình thành các khu dân cư tập trung tự phát, nhà ở nông thôn mà cứ xây cất san sát nhau, không đảm bảo các điều kiện về chất lượng công trình, kết nối hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ... chưa biết giờ huyện giải quyết ra sao"- ông Thanh trình bày.
Được biết, mới đây UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát toàn bộ các dự án nhà ở trên địa bàn Cần Đước, Cần Giuộc để xác định rỏ sai phạm để xử lý, bên cạnh đó tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thiện các qui định pháp luật về quản lý đất đai xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Kỷ luật nhiều cán bộ Huyện ủy huyện Cần Đước đang xem xét trách nhiệm chủ tịch UBND huyện vì liên quan đến việc phê duyệt sai quy trình một số dự án trên địa bàn. Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giuộc tỉnh Long An cho biết trong năm 2018, huyện đã quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy xã Long Thượng - Tạ Văn Ngon và Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thượng - Huỳnh Quốc Thắng. Ngoài ra, buộc thôi việc đối với hai cán bộ địa chính xã Long Thượng do trên địa bàn xã Long Thượng xảy ra 77 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng trái phép, trong đó có 75 trường hợp thuộc trách nhiệm của xã. |