Sáng 23/4, tại đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo OCB nhận nhiều chất vấn của cổ đông về tập đoàn FLC và Đại Nam. Hai khách hàng có liên quan là ông Trịnh Văn Quyết và bà Nguyễn Phương Hằng, cả 2 vừa bị bắt.
Khoản vay của FLC tại Ngân hàng Phương Đông hiện đứng thứ 3 sau Sacombank và BIDV. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, tổng dư nợ hiện nay là 2.800 tỷ. Bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con.
Trong đó, 1.500 tỷ đồng cho FLC vay chủ yếu tập trung vào 2 dự án Troppical 1 và 2 tại Quảng Ninh. Khoản vay có tài sản đảm bảo trên 2.000 tỷ là đất đai có sổ cấp cho chủ đầu tư, không phải từ dự án hình thành trong tương lai. OCB đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường kiểm soát dòng tiền để đảm bảo thu hồi nợ sớm 1.200 đến 1.500 tỷ.
“Tuy nhiên vụ việc ông Trịnh Văn Quyết vi phạm là rủi ro lớn đối với FLC và các đối tác của họ. Với ngân hàng, chúng tôi coi đây là việc rất quan trọng”, ông Tùng lý giải.
Khoản 1.000 tỷ cho Bamboo Airways vay, được thế chấp bằng bất động sản, Nếu FLC duy trì hoạt động tốt thì vẫn duy trì dư nợ hiện tại.
Khoản vay khách hàng Công ty Cổ phần Đại Nam, liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết "Nhiều người cứ nghĩ Đại Nam là doanh nghiệp địa ốc nhưng thực chất họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm dịch vụ khu công nghiệp, sản xuất găng tay...". OCB không cho vay liên quan đến khu giải trí Đại Nam mà cấp vốn cho nhà máy sản xuất găng tay xuất sang Mỹ.
Sự việc liên quan đến bà Phương Hằng, theo lãnh đạo OCB là điều đáng tiếc, chưa từng gặp nhưng khác hoàn toàn với rủi ro của Tập đoàn FLC. Bởi Đại Nam “thừa sức trả nợ” cho tất cả các khoản vay tại ngân hàng.
Sau sự kiện bà Hằng, Đại Nam đã trả nợ 450 tỷ đồng hôm 22/4. Ông Huỳnh Uy Dũng cũng đã tích cực làm việc với ngân hàng để thanh toán sớm dư nợ. CEO OCB thông tin, tập đoàn Đại Nam đã ký hợp đồng bán tài sản cho đối tác, trong 2 tháng tới có thể thu về 4.500 tỷ đồng.