Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp và xây dựng, việc lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo an toàn cho người lao động và tài sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai hệ thống này, đặc biệt là do chi phí lắp đặt và bảo trì cao.
Cháy tại khu vực sản xuất đồ gỗ tại Đồng Nai. (Ảnh: T.H)
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi triển khai hệ thống PCCC là chi phí đầu tư ban đầu quá lớn. Hệ thống PCCC hiện đại thường đòi hỏi thiết bị phức tạp và công nghệ tiên tiến, từ hệ thống báo cháy, chữa cháy đến thông gió, hút khói… Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách dành cho PCCC thường khó đáp ứng được yêu cầu này, khiến họ phải cân nhắc lại việc đầu tư để đảm bảo vừa đạt chuẩn an toàn vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Ngoài vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp còn thiếu nhân lực và kiến thức chuyên môn về PCCC. Việc vận hành và bảo trì hệ thống đòi hỏi hiểu biết và kỹ năng cụ thể, thiếu hụt điều này có thể dẫn đến rủi ro nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của người lao động và tài sản.
Quy định pháp luật về PCCC cũng là một trở ngại lớn. Các tiêu chuẩn và quy chuẩn về PCCC thường phức tạp và có nhiều thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt và tuân thủ. Thêm vào đó, giá cả các thiết bị PCCC cao, nhất là với “những thiết bị yêu cầu kiểm định” khiến doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng tài chính.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, chi phí kiểm định tại Việt Nam có thể cao hơn so với một số nước, tạo ra thêm khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc lắp đặt hệ thống PCCC.
Vụ cháy nhìn từ trên cao. (Ảnh: T.M.B)
Để giảm bớt áp lực tài chính từ chi phí lắp đặt và kiểm định PCCC, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà sản xuất thiết bị PCCC và tổ chức kiểm định. Việc này sẽ giúp tối ưu hóa quy trình kiểm định, đơn giản hóa thủ tục và từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hỗ trợ về mặt tài chính hoặc tạo ra các gói vay ưu đãi từ ngân hàng cũng là giải pháp cần thiết để các doanh nghiệp có thể đầu tư hiệu quả hơn vào hệ thống PCCC.
Không chỉ chi phí lắp đặt, việc bảo trì và vận hành hệ thống PCCC cũng cần đầu tư về thời gian và kinh phí. Hệ thống PCCC nếu không được bảo trì định kỳ có thể bị hỏng hóc và không hoạt động hiệu quả khi xảy ra sự cố. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải sẵn sàng chi trả cho việc kiểm tra, bảo trì định kỳ để đảm bảo các thiết bị luôn trong trạng thái sẵn sàng, nhằm bảo vệ tối đa an toàn cho người lao động và tài sản.
Việc đảm bảo an toàn PCCC là yêu cầu quan trọng đối với mọi doanh nghiệp, song các chi phí liên quan đến lắp đặt và bảo trì vẫn đang là gánh nặng lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng và sự hợp tác của các bên liên quan, giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn vừa giảm bớt áp lực về chi phí, từ đó tạo điều kiện phát triển bền vững chi doanh nghiệp.