Sáng 25-11, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Hoàng Thanh Tùng nhằm bầu vào ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước khi bỏ phiếu kín bầu chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV thì các đại biểu thảo luận về dự kiến nhân sự, rồi bỏ phiếu kín bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào buổi chiều.
Sau khi được được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đa số phiếu tán thành, ông Hoàng Thanh Tùng tiếp tục trở thành chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho đến hết khóa này với 440 phiếu đồng ý (91% tổng số đại biểu Quốc hội), 11 đại biểu không đồng ý (2%).
Ông Hoàng Thanh Tùng năm nay 53 tuổi (sinh ngày 25.12.1966), quê tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; đang là đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. Ông Tùng là đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV. Hiện ông là đại biểu đoàn Sóc Trăng.
Ông Tùng được T.Ư giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Sóc Trăng (gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm và các huyện: Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị). Ông là thạc sĩ luật, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bulgaria, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19.5.2000.
Trước đó, ông Hoàng Thanh Tùng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đại biểu chuyên trách T.Ư).
Theo đó, ông Hoàng Thanh Tùng cũng vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng (lớp thứ nhất, lớp thứ hai) năm 2019 do Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 10-2019.
Trước đó, ngày 22-11, Quốc hội đã bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định, người đã được Bộ Chính trị phân công tham gia Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020.