Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (viết tắt là VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (tức AIC) và các đơn vị có liên quan.
Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 13 bị can về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các bị can như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC, hiện đang bỏ trốn, Nguyễn Trọng Đường, cựu phó vụ Kế hoạch tài chính (KHTC) Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT); Mai Phương Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Khang Phát; Ngô Quang Huy, phó chánh văn phòng Bộ TT-TT…
Vi phạm quy định về đấu thầu trong dự án mua sắm trang thiết bị của Công ty VNCERT
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo kết luận điều tra, VNCERT được Bộ TT-TT giao là chủ đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật số nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối internet quốc tế.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, điều hành hoạt động của Công ty AIC và các công ty trong hệ sinh thái AIC. Ngay từ giai đoạn lập Dự án, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cử Nguyễn Văn Thế, Trưởng ban KT7 (Công ty AIC) phối hợp với VNCERT xây dựng danh mục trang thiết bị, phần mềm dự kiến sẽ mua sắm và ấn định giá đầu ra. Cùng với đó, đàm phán giá đầu ra với các hãng bán hàng để đảm bảo Công ty AIC được lợi nhuận 40% và được định hướng là đơn vị sẽ trúng đấu thầu.
Sau khi chủ đầu tư triển khai các bước xin phê duyệt, hợp thức các bước tư vấn dựa trên danh mục và giá thiết bị đã thống nhất giữa Công ty AIC và chủ đầu tư, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án 2, thiết lập quân xanh, quân đỏ để dự thầu.
Bị can Nguyễn Trọng Đường là đại diện chủ đầu tư trong quá trình xây dựng danh mục trang thiết bị phần mềm và triển khai đấu thầu gói thầu số 8 của dự án. Ông Đường đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia vào tất cả giai đoạn như thống nhất trước danh mục và giá thiết bị phần mềm trong quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập hồ sơ mời thầu.
Trong giai đoạn tư vấn lập dự án và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1, ông Đường chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Công ty AIC để cùng hợp thức các gói thầu tư vấn để vụ KHTC trình lãnh đạo Bộ TT-TT phê duyệt. Trong giai đoạn tư vấn thẩm định giá và phê duyệt dự toán, ông Đường chỉ đạo cấp dưới thực hiện các thủ tục hợp thức để VNCERT phê duyệt dự toán, triển khai đấu thầu.
Trong giai đoạn đấu thầu, ông Đường thành lập Ban quản lý dự án, chỉ đạo phối hợp với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu có lợi cho Công ty AIC, tạo điều kiện cho Công ty AIC sử dụng quân xanh, quân đỏ. Nhờ đó Công ty AIC đã trúng gói thầu số 8. Đối với gói thầu số 8, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định hậu quả thiệt hại của vụ án là hơn 17 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Đường khai khoảng giữa năm 2016, Bộ trưởng Bộ TT-TT lúc đó là ông Trương Minh Tuấn chỉ đạo ông Đường gặp ông Nguyễn Ngọc Duyên, Vụ trưởng Vụ KHTC hướng dẫn thủ tục để lập và triển khai Dự án. Ông Đường hiểu là Công ty AIC sẽ là đơn vị cung cấp thiết bị của dự án.
Về việc phân chia các gói thầu, ông Đường khai ngay tại giai đoạn đề nghị phê duyệt Dự án, ông Đường chủ động chỉ đạo nhân viên VNCERT tách phần thuê mua dịch vụ và đường truyền thành các gói thầu riêng, tách rời gói thầu mua sắm trang thiết bị và phần mềm để hạn chế việc Công ty AIC là tổng thầu sẽ làm giảm hiệu quả và mất thêm chi phí cho Công ty AIC.
Sau khi đấu thầu, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC, gọi điện hẹn chúc Tết. Do bị can Đường không có mặt tại cơ quan nên đã nhận túi quà từ bộ phận lễ tân VNCERT.
Ông Đường kiểm tra thì thấy có số tiền 1 tỉ đồng. Ông Đường sử dụng cá nhân 200 triệu đồng, phần còn lại, cựu Giám đốc VNCERT giao cho Dương Thị Minh, Kế toán trưởng, chia cho các thành viên tham gia dự án và sử dụng phục vụ các hoạt động chung của VNCERT.
Trong quá trình điều tra, ông Đường thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác làm rõ bản chất vụ án. Ngoài ra, ông Đường đã nộp khắc phục 600 triệu đồng, có thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 2, 3, nhiều bằng khen, giấy khen... Cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan truy tố, xét xử căn cứ các tình tiết nêu trên để xem xét khi lượng hình.
13 lần "tặng quà" cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến 14 tỉ đồng
Cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.
Ngày 13/9/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND) đã ban hành cáo trạng vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa - Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC).
Tại cáo trạng, Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 4 người về tội "Nhận hối lộ" gồm: Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, cựu phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh và Trần Văn Tuynh, cựu giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh (Ban Quản lý).
Bị can Nguyễn Tiến Nhường, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn), bị cáo buộc phạm tội "Đưa hối lộ". Bị can Nhàn trước đó đã 3 lần bị xét xử vắng mặt trong các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Quảng Ninh, TP HCM với án tổng hợp 30 năm tù.
Trong vụ án này, có 7 người bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Nguyễn Hồng Sơn, phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn); Lã Tuấn Hưng, tổng giám đốc Công ty Sông Hồng; Nguyễn Đằng An, cựu trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Kim Huân, cựu phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Viết Toản và Nguyễn Đăng Linh, cùng là cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALUE.
Theo kết luận, năm 2013, ông Đặng Tiên Phong, chủ tịch Công ty Sông Hồng (mất năm 2021) liên hệ với Trần Văn Tuynh đặt vấn đề ông phụ trách xin vốn bổ sung từ Thủ tướng Chính phủ cho lĩnh vực y tế tại Bắc Ninh.
Đổi lại, bị can Tuynh và chính quyền tỉnh Bắc Ninh phải giúp Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài và Thuận Thành.
Bị can Tuynh đồng ý nhưng sau đó, bị can Nhàn AIC cũng liên hệ nội dung tương tự. Do biết bị can Nhàn có quan hệ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Trung ương nên Tuynh báo lại việc này cho bị can Sơn.
Hai bên sau đó thống nhất "để tránh va chạm", công ty Sông Hồng sẽ thực hiện 3 gói tại bệnh viện các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ (các huyện phía bắc sông Đuống) còn Công ty AIC thực hiện 3 gói tại Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài (phía nam sông Đuống).
Cơ quan điều tra cáo buộc các bị can đã vi phạm quy định, dùng quân xanh đấu thầu, nâng giá... Đến nay, cả 6 gói thầu đã được bàn giao và gây thiệt hại 48 tỉ đồng cho ngân sách.
Quá trình này, các lãnh đạo Công ty Sông Hồng là ông Đặng Tiên Phong và bị can Lê Tuấn Hưng đã đưa hối lộ cho Trần Văn Tuynh 6 tỉ đồng. Bị can Tuynh chi lại cho cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh mỗi người 1 tỉ đồng; tặng quà cựu phó chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường nhiều lần, tổng số 300 triệu đồng.
Ngoài ra, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đưa hối lộ cho các cựu lãnh đạo nói trên. Bị can Nguyễn Nhân Chiến khai từ năm 2014 đến khi nghỉ hưu năm 2020, vào các dịp lễ tết đều được bị can Nhàn tặng quà.
Tổng cộng, bị can Nhàn có 13 lần lên phòng làm việc của bị can Chiến tại trụ sở UBND và Tỉnh ủy Bắc Ninh, mỗi lần đưa từ 500 triệu đến 3 tỉ đồng; tổng số 13 tỉ đồng. Cơ quan điều tra do vậy cáo buộc ông Chiến nhận hối lộ 14 tỉ đồng từ nguồn tiền của Công ty AIC và Công ty Sông Hồng.
Cựu Bí thư Bắc Ninh khai đã tiêu hết nhưng giờ đã cùng gia đình tự nguyện nộp lại 14 tỉ đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Tương tự, bị can Nguyễn Tử Quỳnh trong vai trò phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhiều lần nhận tiền của Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty Sông Hồng, tổng số hưởng lợi bất chính là 10,1 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Hồng Sơn (cựu phó tổng giám đốc AIC) đang bỏ trốn. Cả hai người đều đang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã, trong đó bị can Nhàn đang bị truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế và truy nã đặc biệt.
Viện KSND tối cao kêu gọi bị can Nhàn và ông Sơn (đang bỏ trốn) đến cơ quan công an hoặc viện kiểm sát nơi gần nhất đầu thú để được hưởng khoan hồng. Nếu họ vẫn bỏ trốn sẽ bị coi là "từ bỏ quyền tự bào chữa" và vẫn phải đưa ra truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.
Như vậy, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 12 người khác tiếp tục bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố về đấu thầu trong dự án mua sắm trang thiết bị xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT).