Ngày 15/12, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp thứ ba của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, trong đó có nội dung về xây dựng đề án xây dựng mạng lưới metro theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: V.D)
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, theo quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM có tổng chiều dài 220km, quy hoạch này đã có 20 năm. Tuy nhiên, đã 15-16 năm qua, đến nay chúng ta mới chuẩn bị hoàn thành tuyến metro số 1 dài 19,7km.
Như vậy, chúng ta triển khai theo cách cũ là quá chậm, nếu tiếp tục thì để hoàn thành 200km còn lại cần khoảng 50-70 năm nữa, thậm chí cả 100 năm mới xong. Mới đây, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49, trong đó giao nhiệm vụ đến năm 2035, TP.HCM phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị 200km còn lại. Đây là quyết định rất quan trọng, làm cơ sở để TP.HCM đề xuất đề án triển khai.
Tháng 7/2023, TP.HCM xây dựng, nghiên cứu theo hướng triển khai 200km metro còn lại được xem xét tổng thể trong một đề án với cùng một cơ chế chính sách. Đầu năm 2024, đề án này sẽ được trình Bộ Chính trị và tại kỳ họp tháng 5/2024 sẽ được trình Quốc hội.
Ông Mãi cho hay, TP.HCM cũng sẽ phối hợp với TP Hà Nội để hoàn thiện cơ chế về phát triển đường sắt đô thị. Như là cơ chế huy động nguồn vốn, tín dụng đủ lớn có thể vượt trần nợ địa phương để triển khai đầu tư dự án. Vừa rồi, tại dự án vành đai 3, TP.HCM được Quốc hội cho phép cơ chế mới, vì thế thủ tục chuẩn bị dự án này chỉ một năm là hoàn thành...
Theo ông Mãi, đây là vấn đề rất lớn, cần có chủ trương chính trị từ Bộ Chính trị, cần có cơ chế chính sách từ Quốc hội. Vì đường sắt đô thị TP.HCM phải gắn liền với ngành công nghiệp đường sắt đô thị của Việt Nam. Việc này để tránh chuyện chúng ta chỉ làm dự án đầu tư; đi thuê, mua công nghệ nước ngoài, sau này lại thuê mua thiết bị, duy tu bảo dưỡng.
“Vậy cơ chế nào để phát huy ngành công nghiệp metro trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nắm bắt công nghệ là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất", ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng tại phiên họp, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, góp ý các nội dung về xây dựng đề án để làm sao TP.HCM triển khai cho khả thi.
Theo ông Đặng Huy Đông - viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc hoàn thành 200km tuyến metro số 1 là hết sức đúng đắn và không thể muộn hơn nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa với các đô thị trong khu vực.
Tuyến metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử toàn tuyến. (Ảnh: Q.Đ)
Tuy nhiên đây là nhiệm vụ bất khả thi nếu triển khai thực hiện với quy định pháp luật hiện hành. Do đó theo ông Đông, hội đồng tư vấn đưa ra 6 nhóm đề xuất trong lĩnh vực quy hoạch: Đền bù và thu hồi đất; cơ chế chính sách; cơ chế quản lý dự án đầu tư; lựa chọn tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật; công nghệ áp dụng; mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực.
Cũng theo ông Đông, các cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM hoàn thành mục tiêu 200km, tiết kiệm hơn 10 tỉ USD so với cách làm hiện nay. Với tổng chiều dài 200km, chúng ta có thể triển khai 100 khu đô thị theo mô hình TOD.
Các đô thị này tạo 1 triệu căn hộ, để nửa dân số thành phố được hưởng các điều kiện sống văn minh - hiện đại, với đầy đủ các thiết chế xã hội về giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên, cây xanh, không khí trong lành, nâng cao sức khỏe cộng đồng…
Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép TP.HCM thí điểm phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) tại khu vực lân cận của các nhà ga metro. Đô thị theo mô hình TOD là phát triển đô thị tại khu vực lân cận (trong bán kính có thể đi bộ, từ 500 - 1.000m) các nhà ga của các tuyến giao thông công cộng có sức chở lớn và tốc độ cao (tuyến đường sắt đô thị - MRT, tuyến đường sắt nhẹ - LRT, tuyến buýt nhanh - BRT…). Khu vực này được gọi chung là khu vực TOD. |