Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh nói sẽ sử dụng gồm tài sản đứng tên công ty, cá nhân, tài sản hình thành trước khi kinh doanh và tài sản nhờ người quen đứng tên để khắc phục hậu quả 1.463 tỷ đồng.
Sáng 21/11, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) và 14 bị cáo khác gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh.
Tiếp tục phiên toà, trả lời VKS, bị cáo Hạnh thừa nhận hành vi sai phạm, không mở tài khoản định danh theo quy định để nhận tiền Quỹ bình ổn mà mở tài khoản thông thường. Do đó, ngân hàng không quản lý và biết được việc bị cáo rút tiền quỹ ra sử dụng riêng.
Về việc trong tài khoản chỉ còn hơn 2 triệu nhưng vẫn ký báo cáo là số dư đủ, bị cáo Hạnh cho biết từ năm 2022 công ty nợ thuế, bị cấm nhập xuất khẩu nên gần như phá sản, không còn khả năng tài chính.
Đối với 219 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá, bị cáo Hạnh cho biết đã đem đi đầu tư kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, bà còn vay mượn tiền của nhiều ngân hàng và sử dụng nguồn tiền khác của công ty để làm các dự án ở một số tỉnh thành.
Đối với việc không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường được giao thu hộ, bị cáo Hạnh nói không cố ý chậm thanh toán khoản tiền này. Đây là số tiền nợ thuế trong khoảng 3 tháng. Công ty từng đứng vị trí thứ 10 trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn, mỗi tháng đóng 500 tỷ tiền thuế.
Nhưng vào thời điểm xảy ra dịch Covid-19, giá xăng dầu biến động, bị giãn cách xã hội nên kinh doanh xăng dầu thua lỗ, Công ty không còn khả năng tài chính nên đã phải dùng đến tiền quỹ và tiền thuế để sử dụng.
Các bị cáo tại toà.
Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil nhận là người rút phần lớn số tiền này ra khỏi tài khoản. Số còn lại do Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Xuyên Việt Oil – em bà con của bị cáo Hạnh) và một số người khác rút, họ đều làm theo chỉ đạo của mình, không biết việc rút tiền ra là sai.
Bị cáo Hạnh nói sẽ sử dụng số tài sản hiện có bao gồm tài sản đứng tên công ty, cá nhân, tài sản hình thành trước khi kinh doanh và tài sản nhờ người quen đứng tên để khắc phục hậu quả.
VKS hỏi tài sản nhờ người khác đứng tên ở đâu, gồm bao nhiêu tài sản? Bị cáo Hạnh nói “Chỉ có 1 bất động sản rất ít tiền, đó là căn biệt thự có giá khoảng 10 tỷ ở Mũi Né (Bình Thuận) do Đỗ Xuân Thiện đứng tên. Tài sản này đã nộp cho cơ quan điều tra trong tổng số 13 tài sản đã nộp”.
Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil khai tiếp “Tài sản cá nhân thì không có, nhưng công ty có 3 xe bồn chở dầu. Hiện 3 xe này không thế chấp, xin bán để khắc phục hậu quả”.
Trả lời VKS về mục đích đưa tiền hối lộ, bị cáo Hạnh nói hành động này mong có lợi cho Công ty Xuyên Việt Oil. “Lúc đó hàng khan hiếm vì đại dịch đang diễn ra, bị cáo mong kiếm lãi về cho công ty cũng như cho mình nên gây ra lỗi lầm”, bị cáo Hạnh giải thích thêm
Về việc cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh khai nhờ Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ Trưởng Bộ Công thương) can thiệp vì bị bộ phận một cửa Bộ Công thương trả hồi sơ. Lúc đó Xuyên Việt Oil đang cần nhập hàng gấp nên phải đưa hối lộ cho cựu Thứ Trưởng Bộ Công thương 50.000 USD để được hỗ trợ cấp lại giấy phép.
VKSND TP.HCM.
Bị cáo buộc là người giúp sức cho Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương khai khi thực hiện ký các văn bản theo chỉ đạo của Tổng giám đốc đã không hiểu bản chất của việc này là gì. Cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết mình sai phạm.
Trong phạm vi vụ án này, bị cáo Hạnh còn bị cáo buộc chi số tiền lớn cho lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Công thương và các đơn vị liên quan để được cấp giấy phép kinh doanh, cấp tín dụng và che giấu sai phạm. Trong đó có cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, cựu Thứ Trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hai cựu Vụ Phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương...
Quá trình xét xử, các bị cáo đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, bày tỏ ăn năn hối cải và xin HĐXX khoan hồng, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.