Chùa Bà Đen toạ lạc trên lưng chừng núi. Được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất tại Tây Ninh. Và cũng là 1 địa điểm du lịch tâm linh nhất định phải tới khi đến với vùng đất này.
Với phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại, Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nữa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi là núi Bà Đênh, sau gọi chạy dần thành núi Bà Đen. Qua nhiều lần trùng tu, lần gần nhất là khánh thành vào năm 1997.
Là ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam, núi Bà Đen cao 986m, xứng danh “Đệ nhất thiên sơn”, “Nóc nhà Nam Bộ”, là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Còn “Đệ nhị thiên sơn” là núi Chứa Chan Gia Lào thuộc địa phận huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai.
Nhìn từ xa, núi Bà Đen lúc nổi bật giữa nền trời xanh, lúc ẩn hiện dưới từng gợn mây trắng mù lẫn trong sương. Đỉnh núi thường có mây bao phủ, có lẽ vì thế còn có tên là Vân Sơn. Ngọn núi như mê hoặc du khách, gợi những truyền thuyết tâm linh, ẩn chứa nhiều nét đặc trưng văn hoá của một vùng đất đầy nắng và gió.
Đủ thứ nghề mưu sinh
Người dân ở đây sinh sống bằng đủ thứ nghề theo khu di tích, nào bán đồ lưu niệm, giày dép, mỡ trăn cho tới áo quần... Tất nhiên không thiếu món đặc sản là các loại bánh tráng Tây Ninh. Nhưng có nghề đặc biệt hơn nữa là phu vác nước đá. Qua trò chuyện cùng anh Trần Minh Tâm quê tại Gò Dầu vừa đi anh vừa kể chuyện:
“vác 1 ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn. Nếu vác lên đến chùa Bà thì được 100 hoặc 120 ngàn. Càng lên cao càng nhiều tiền. Còn vác nữa chừng như vầy thì được 4- 50 ngàn 1 cây thôi”.
Vì Nằm ở lưng chừng núi nên đường đi lên chùa cũng hơi mất thời gian nếu đi bộ. Du khách có thể lên núi để thắp nhang theo 3 cách. Đó là đi bộ, dùng cáp treo và sử dụng hệ thống máng trượt. Đặc biệt năm nay đã xây dựng thêm hệ thống cáp treo mới. Mỗi cabin chở được 8 người thay vì chở 2 và thời gian di chuyển mỗi lượt lên xuống là 5 phút, nhanh gấp 4 lần cáp treo cũ.
Chúng tôi đến nơi thì đã hơn 13 giờ, nên phần lớn mọi người lục đục ra về, số ít bắt đầu leo lên. Gần đến chùa bà người ta đang xây dựng tiếp, chắc chắn năm sau đường lên xuống sẽ rộng hơn, đẹp hơn, dễ leo hơn.
Tây Ninh ngày xưa vốn là một vùng đất thuộc Thuỷ Chân Lạp, có tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là “Chuồng Voi”. Vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn và nhiều loài nguy hiểm khác cư trú. Những người thổ dân thời xưa sinh sống tại đây rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt thời triều Nguyễn đến khai hoang thì vùng đất này mới dần trở nên trù phú.
Đi từ chân núi lên đến đỉnh là quần thể kiến trúc trãi dày mang những đặc trưng của văn hoá Phật giáo và tín ngưỡng dân gian gồm điện, chùa, miếu, tháp... Đặc biệt vùng đất này gắn liền với nhiều truyền thuyết về Bà Đen. Tục truyền Bà Đen chính là nàng Đênh, xuất gia đầu Phật rồi chết trên núi. Sau đó hiển linh phù hộ giúp đỡ dân chúng trong vùng những lúc mất mùa đói kém hoặc gặp chuyện oan ức.
Quần thể núi Bà Đen gồm 3 ngọn núi tạo thành, đó là: Núi Heo, Núi Phụng và Núi Bà Đen. Hệ thống chùa ở núi bà có: chùa Trung, Chùa Hang và chùa Bà. Trong đó nổi tiếng nhất là chùa Bà hay còn gọi là Linh Sơn Tiên Thạch.
Đến núi Bà Đen hành hương, người dân xung quanh vùng cũng như du khách thập phương đến viếng quanh năm. Nhưng đông nhất chủ yếu vào dịp tháng Giêng hay Lễ vía Bà (vào mùng 5 – mùng 6 tháng 5 âm lịch).
Trước chánh điện chùa Bà Đen, cạnh bên là đường đi qua chùa Hang, người ta bán rất nhiều chim phóng sinh và gạo đã vô các bao nhỏ. Đặc biệt nhiều nhất là trong tháng giêng này. Nhiều du khách mua gạo từ dưới chân núi, tự vác lên đến chùa để cúng. Họ nghĩ như thế sẽ đạt được phước nhiều hơn.
Cô Nguyễn Thị Tám – người đã thắp nhang xong, đang đứng nghỉ mệt bên hông chùa cho biết:
“Cũng như mọi năm, năm nay người ta đi chùa đông quá! Cứ mỗi trạm dừng chân là nghỉ, chen chúc nhau leo nên đỡ mệt. Để tỏ lòng thành tui đã tự leo lên đây bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Mong mọi sự bình an trong gia đình...”.
Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ cùng với thảm thực vật rất phong phú. Từ đây, có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn quần thể núi Bà Đen lừng lững giữa một vùng đồng bằng trù phú, xen lẫn cụm hồ Dầu Tiếng nằm trên địa phận 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương.
Để kịp về Sài Gòn trong buổi chiều, chúng tôi được trãi nghiệm trên cáp trao mới. Không như lối vào cáp treo cũ đông nghịch người, chen lấn nhau để mua vé vì giá rẽ hơn. Cáp treo mới vắng người, rộng rãi, được phục vụ tốt.
Với cảnh vật thiên nhiên, không gian trời đất như hoà quyện đầy nắng gió, chúng ta đến núi Bà Đen sẽ được trải nghiệm về một vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, có nhiều giá trị tâm linh độc đáo. Đi chùa đầu năm là cầu mong sức khoẻ, hạnh phúc, bình an đến với gia đình và người thân.