Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan ngại trước xu hướng gia tăng của tội phạm ma túy với những vụ giết người có hành vi dã man, tàn bạo liên quan đến tệ nạn này trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề cập đến một thực tế đáng báo động và cho biết rằng ma túy đã xâm nhập vào học đường, giảng đường, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng của thế hệ tương lai đất nước.
Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, việc những người nghiện phần lớn đang ở ngoài xã hội là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng.
Bà Dung cũng đưa ra nhận định: “Vậy nguyên nhân từ đâu mà Chính phủ đã rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp nhưng số người nghiện tiếp tục tăng, phần lớn đang ở bên ngoài xã hội. Tôi cho rằng Chính phủ chưa giải quyết căn cơ vấn đề này từ gốc của nó, đó là quá khó để đưa một đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Phân tích kỹ hơn, đại biểu Long An chỉ ra, cơ sở vật chất, điều kiện nhân lực của các cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay trên cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc các cơ sở này quá tải, vượt số lượng người cai nghiện theo quy định khiến áp lực "vỡ trại" luôn chực chờ. Trong khi đó, người đã cai nghiện xong ra ngoài nguy cơ tái nghiện rất cao, trên 90%.
Hơn nữa, những năm qua chúng ta chưa có chiến lược đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy với tầm nhìn tổng thể và dài hạn. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn cao, đa ngành, ổn định nhưng hiện nay cũng chưa có chính sách thích đáng để phát triển nguồn nhân lực, chưa có chiến lược đầu tư phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng cho người sau cai nghiện, người có tiền sử nghiện ma túy, nguồn lực tài chính phân bổ rất hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ cho hoạt động ở các cơ sở cai nghiện công lập.
Chính vì lẽ đó, vị đại biểu nói rằng: “Tôi kiến nghị Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo sửa đổi ngay những quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của bộ, ngành, không trông chờ đến sửa đổi các luật liên quan”.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đồng quan điểm với đại biểu Dung và bà cho rằng việc chuyển đổi dần từ cai nghiện ma túy bắt buộc sang cai nghiện ma túy tự nguyện không đem lại kết quả.
Theo bà Võ Thị Như Hoa, để cai nghiện ma túy thành công, ngoài việc dùng thuốc điều trị thì vấn đề cốt lõi là phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối tượng nghiện ma túy để cách ly với ma túy. Trong khi với hình thức cai nghiện tự nguyện thì việc cai nghiện lại quá phụ thuộc vào ý chí của người nghiện nên hiệu quả không cao.
Vì lẽ đó, bà cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng, qua đó tăng cường cai nghiện bắt buộc và đơn giản hóa quy trình cai nghiện bắt buộc để nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy.
Phải có những biện pháp hành động quyết liệt, đồng bộ hơn trong xử lý tội phạm ma túy, đặc biệt là chế tài đối với người sử dụng ma túy trái phép vì ma túy là mối nguy hiểm của xã hội và Đại biểu Phan Ngọc Thọ vô cùng mong muốn điều này xảy ra.
Đại biểu Phan Ngọc Thọ nói thêm: “Nếu không xem người sử dụng chất ma túy trái phép là đối tượng vi phạm pháp luật thì cơ chế cai nghiện như hiện nay sẽ khó giảm số lượng người sử dụng ma túy trong xã hội. Ngày nào người sử dụng ma túy trái pháp luật không được quản lý, cai nghiện kịp thời thì ngày đó người dân vẫn bất an, trật tự xã hội an toàn vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường”.
Theo đó, vị đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) khẳng định, sự kém hiệu quả trong biện pháp tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, liệu trình cai nghiện ngắn và quản lý thiếu chặt chẽ là những nguyên nhân tất yếu dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.
Cũng theo đại biểu Dũng một trong những giải pháp hiệu quả trong xử lý vấn đề này là phải sửa Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng đơn giản thủ tục, tập trung cai nghiện, kéo dài thời gian và liệu trình cai nghiện. Điều quan trọng nữa là cần thiết phải bổ sung biện pháp bắt buộc lao động công ích, củng cố cơ sở cai nghiện và xem xét hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép ma túy.
Link gốc đây