Hỏi:
Gia đình tôi có mua một mảnh đất cách đây 20 năm của người bác ruột. Hiện tại đang trồng cây làm vườn trên đất. Giữa năm 2019, vợ bác tôi viết đơn kiện gia đình tôi ra toà vì cho rằng bác gái không ký vào giấy bán đất. Tại phiên tòa, thẩm phán so sánh chữ ký của bà ấy với chữ ký trên giấy chuyển nhượng và Tòa xét xử tuyên bác đơn khởi kiện (gia đình tôi thắng kiện). Mới đây, bà ấy lại mang đơn lên UBND xã kiện để đòi lại đất. Như vậy bà ấy có kiện lại được gia đình tôi không?
(Nguyễn Văn T, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 282 BLTTDS 2015 quy định:
"Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị"
Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày VKS cùng cấp nhận được bản án.
Như vậy, sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu bản án không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, mà một trong các bên không đồng ý với cách giải quyết của Tòa án sơ thẩm thì có thể kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm.
Với trường hợp của ông T, nếu sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án mà bác của ông T không có đơn kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. Vì vậy nếu bác của ông T mang đơn lên xã kiện và đòi lại đất thì không thể đòi lại được đất. Bởi UBND xã không có thẩm quyền để giải quyết vụ án nêu trên. Do vậy, UBND xã sẽ không thụ lý để giải quyết.
Tuy nhiên, trường hợp hết thời hạn 30 ngày mà bác của ông T có đơn kháng nghị thì sẽ giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm tại Tòa. Các điều kiện để kháng nghị quy định tại Điều 326 BLTTDS 2015. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 352 BLTTDS 2015.
Như vậy, khi bác ông T có một trong các căn cứ nêu trên thì có thể làm đơn đề nghị đến Chánh án TAND cấp cao hoặc Viện trưởng VKSND cấp cao để tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thám là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 334 BLTTHS 2015.
Theo đó, mặc dù mảnh đất này gia đình ông T đã được Toà án sơ thẩm xét xử thắng kiện và đã sử dụng mảnh đất 20 năm nhưng nếu bác ông T có đủ căn cứ để kháng nghị và vẫn còn thời hạn kháng nghị theo quy định trên thì bác ông T vẫn có thể nộp đơn kháng nghị.
Trường hợp bác ông T có đầy đủ căn cứ để chứng minh chữ ký của mình bị giả mạo, và tiến hành kháng nghị theo thủ tục như trên thì hợp đồng chuyển nhượng đất lúc này sẽ bị Toà án tuyên vô hiệu do người ký không có thẩm quyền ký.
Theo đó, hai bên sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tức gia đình ông T phải trả lại đất cho bác ông T, còn bác ông T sẽ phải trả lại số tiền đã nhận cho ông T.