Vinaland lần lượt trải qua nhiều thăng trầm sóng gió, đỉnh thành công là lúc công ty mới chuyển sang cổ phần. Sau đó, Vinaland đối diện một chuỗi dài thất bại, nợ nần chồng chất, đến lúc vươn lên thì lại thay đổi Ban điều hành và tiếp tục đối diện bất ổn mới.
Các giai đoạn hình thành và phát triển
Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (Vinaland, mã chứng khoán UPCoM: VNI) có trụ sở tại Quận 7, TP.HCM. Tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Việt Nam thành lập năm 2003 sau đó chuyển loại hình doanh nghiệp thành công ty cổ phần vào ngày 13 tháng 3 năm 2007. Với vốn điều lệ 72 tỷ đồng, gặp lúc thị trường bất động sản thời đỉnh cao, giá cổ phần Vinaland tăng kỷ lục từ khi cổ phần hoá. Sang năm 2009, tổng vốn điều lệ thực góp của Vinaland là 105.599.960.000 đồng theo giấy CNĐKDN thay đổi lần 5.
Kết quả kinh doanh năm 2007 của Vinaland được xem là thành công nhất trong lịch sử cả đến thời điểm hiện tại. Các hoạt động chủ yếu của Vinaland là mua bán bất động sản và chuyển quyền hợp tác đầu tư trên địa bàn Quận 7, huyện Nhà Bè nhằm tạo ra lợi nhuận ngắn hạn.
Sang năm 2008, lợi nhuận trong kinh doanh của Vinaland đột ngột đi xuống ngay lúc thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng. Một doanh nghiệp mới chuyển lên Công ty cổ phần như Vinaland không dễ dàng trụ nổi để vượt qua khủng hoảng. Lợi nhuận mỗi năm đạt được giảm dần cho đến năm 2012 thì chính thức báo lỗ, bắt đầu chuỗi dài thời kỳ suy thoái tại Vinaland.
Giá cổ phiếu có chiều hướng đi lên tính từ ngày 18/9/2015 đến nay
Năm 2012 là thời gian Vinaland chi trả cho nhiều chi phí thực hiện tái cơ cấu lại bộ máy, trong đó có chi phí bồi thường cho người lao động khi giải quyết nghỉ việc. Dự án Vinaland Tower đang đến giai đoạn hoàn thành thủ tục xây dựng cấp phép để khởi công, dự án Saigon South Center được chuyển qua dự án chợ tạm Phước Long đều là những dự án chủ chốt của Vinaland.
Trong thời điểm bất động sản đóng băng, Vinaland chuyển sang kinh doanh chợ, phát triển thương mại liên kết với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng. Vinaland đã chi trả chi phí đầu tư ban đầu rất lớn cho việc khai thác và vận hành chợ tạm Phước Long. Ngoài việc huy động vốn từ bên ngoài với lãi suất cao do không vay được từ ngân hàng, Vinaland còn quyết định bán một số bất động sản với giá thấp hơn giá đầu tư từ trước để có vốn xoay sở.
Vừa khởi sắc, lại đối diện bất ổn vì bị thay lãnh đạo
Toàn cảnh công trình dự án Vinaland Tower đang xây dựng
Cuối tháng 9/2015, HĐQT quyết định thay đổi người đứng đầu điều hành công ty, hy vọng vực dậy Vinaland. Hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017 là ông Hồ Đắc Hưng và ông Trần Bình Long gửi yêu cầu tổ chức cuộc họp HĐQT với nội dung thay đổi Chủ tịch HĐQT (lúc này ông Trần Minh Hoàng đang là CT HĐQT theo giấy CNĐKDN lần 10) nhưng ông Hoàng không đồng ý.
Ngày 9/10/2015, HĐQT Vinaland tổ chức họp, ông Trần Minh Hoàng không tham dự, 4/5 thành viên HĐQT ký biểu quyết “Đồng ý” miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Hoàng. Ngày 11/11/2015, Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy CNĐKDN lần 11 cho Vinaland, trong đó ông Long là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Bắt đầu thời gian Vinaland tìm lại chính mình dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT mới.
Năm 2017, dù đã khởi sắc nhiều nhưng Vinaland vẫn phải tiếp tục báo lỗ vì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể do phải bù đắp khoản nợ khó đòi của vài cổ đông đã vay của Công ty từ năm 2011. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban điều hành mới đã trả bớt nợ bên ngoài cũng như liên tục trả bớt nợ thuế từ những năm trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vinaland chỉ còn nợ quá hạn hơn 6 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Khoản nợ này nhằm bổ sung vốn lưu động kinh doanh bất động sản, thế chấp bằng một phần dự án Vinaland Tower. Ngoài ra, Vinaland còn một số khoản nợ vay cá nhân và 39 tỷ đồng vay ngắn hạn tính đến nay.
Công trình Vinaland Tower gấp rút xây dựng cả ban đêm để hoàn thành theo tiến độ
Từ nhiều năm nay, Vinaland tập trung nguồn lực vào hai dự án chính gồm dự án Vinaland Tower và dự án chợ Phước Long. Hiện Vinaland Tower đang thi công đến tầng năm và dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào quý 3 năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại tiến độ xây dựng dự án này rất tốt, sẽ nhanh chóng bàn giao nhà trong cuối năm sau. Việc thực hiện dự án chợ Phước Long giúp Vinaland có được nguồn tài chính ổn định để hoạt động, đồng thời mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng là kinh doanh hàng hóa bán lẻ và kinh doanh căn hộ bán lẻ.
Bên cạnh việc khai thác chợ tạm tạo nguồn thu ổn định, Vinaland đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng để khi điều kiện cho phép sẽ thực hiện xây dựng mới Chợ chính thức, với diện tích kinh doanh khai thác và hiệu quả cho thuê tăng gấp nhiều lần hiện nay.
Thành công của việc kinh doanh Chợ Phước Long cũng giúp gia tăng đáng kể giá trị và khả năng tiêu thụ sản phẩm cho dự án Vinaland Tower đang xây dựng bên cạnh chợ. Với mục tiêu lâu dài của Công ty là phát triển dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long thành cụm dân cư thương mại dịch vụ giá rẻ sầm uất, mang đậm nét văn hóa truyền thống phương Nam, thu hút khách hàng khu vực Quận 7, Nhà Bè nói riêng và cả TP.HCM nói chung.
Đang trên đà khởi sắc, Vinaland lại đối mặt với những bất ổn mới khi Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy CNĐKDN lần thứ 14 do ông Trần Minh Hoàng làm Chủ tịch HĐQT vào 17 tháng 7 năm 2019. Từ đó đến nay, rất nhiều xáo trộn đã xảy ra không chỉ với nhân sự mà còn với các hoạt động kinh doanh của Vinland.
Ngày 10/8/2019, nhóm ông Hoàng nhân danh Vinaland tiếp quản chợ tạm Phước Long khi mà hợp đồng thuê chợ Vinaland ký với công ty Phước Long vẫn còn hiệu lực. Ngoài việc đưa người tiếp quản Ban quản lý chợ, chiếm quyền điều hành, nhóm ông Hoàng còn khoá cửa nhà mẫu và gửi công văn đến điện lực yêu cầu không cung cấp điện cho công trình đang thi công của dự án Vinaland Tower. |