Theo vị này, kể cả xe và thùng khi xếp lên nhau chỉ cao tối đa 4,2m. Qua quá trình đăng kiểm, vị này khẳng định không thể đôn thùng container cao hơn thiết kế. Bởi container có các cục gù, khi thiết kế container phải bỏ lọt vào xe rơmoóc.
Theo đó vị này khẳng định: "Không có cách nào thay đổi thiết kế chiều cao của thùng và xe container được. Xe chỉ cao tối đa 4,2m thôi".
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, sáng 14-11 giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xây dựng xa lộ Hà Nội (chủ đầu tư), ông Nguyễn Thanh Nam khẳng định trong hồ sơ thiết kế được duyệt, cầu vượt đi bộ Suối Tiên có thiết kế cao 4,75m và cầu này đều đồng bộ với các cầu còn lại trên tuyến.
Hiện trường sập dầm cầu vượt đi bộ ngày 13-11 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Về việc xe container chỉ cao 4,2m tại sao đụng được dầm cầu, ông Nam đánh giá về hồ sơ thiết kế cầu vượt cao 4,75m, nhưng đến thời điểm này cơ quan chức năng đã xác định tĩnh không thực tế của cầu đi bộ Suối Tiên chưa đảm bảo 4,75m.
GIám đốc điều hành Công ty cổ phần Xây dựng xa lộ Hà Nội nói: "Còn việc cao bao nhiêu, cần phải đo đạc và kiểm tra hồ sơ thêm để xác định nguyên nhân cụ thể vì sao tĩnh không thực tế của cầu lại thấp hơn thiết kế 4,75m".
Trước đó, khoảng 4h sáng 13-11, xe đầu kéo BKS 51D - 364-34 do tài xế Phan Quang Hưng (35 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) chở thùng container loại 40 feet chạy trên quốc lộ 1 về hướng trung tâm TP.HCM.
Lúc đến đoạn Khu du lịch Suối Tiên, thùng container vướng vào gầm cầu bộ hành làm dầm cầu sập và rơi xuống đè trúng. Sự cố may mắn không gây thương vong về người.
Theo chủ đầu tư dự án, trước khi xảy ra sự cố cách đó vài tiếng thì cầu vượt đang được thi công và dầm cầu vượt mới chỉ được đơn vị thi công đưa lên .
Công trình cầu vượt đi bộ Suối Tiên thuộc hạng mục nút giao ĐH Quốc gia TP.HCM, nằm trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1.
Link gốc đây