Hướng giải quyết bồi thường cho bị hại, bị cáo Trương Mỹ Lan nói trong giai đoạn 1 nếu thu hồi được sẽ có 21.000 tỷ đồng và nếu thu hồi được 17.000 tỷ đồng này nữa sẽ đủ bồi thường cho các trái chủ.
Chiều 23/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Mở đầu phiên xử, bị cáo Lan khai không biết và không liên quan đến việc phát hành trái phiếu, nhưng không ý kiến gì về nội dung của cáo trạng vì bản thân tôn trọng cáo trạng. Đồng thời, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề nghị HĐXX xem xét lại bối cảnh, động cơ phạm tội trong việc phát hành trái phiếu.
Bị cáo Lan đề nghị HĐXX xem xét cho 28 bị cáo trong nhóm bị cáo buộc giúp sức cho mình chiếm đoạt tài sản vì họ chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, thực hiện các hành vi chỉ vì mục đích cứu ngân hàng SCB.
Khi được chủ tọa hỏi về chủ trương phát hành trái phiếu, bị cáo Lan nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì ngành nghề kinh doanh là du lịch, bất động sản.
Theo bị cáo Lan, năm 2018 Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB - đã chết) đề xuất về việc phát hành trái phiếu để cứu SCB. Người này nói đã đưa các tài sản vào ngân hàng SCB rồi nên bị cáo Lan đồng ý cho mượn các công ty để thực hiện ý tưởng trên. Bị cáo Lan cũng nói không nhớ đã phát hành bao nhiêu trái phiếu.
Đối với việc phát hành trái phiếu bị truy tố, bị cáo Lan nói rất đau lòng vì người nhà của mình cũng mua hơn 5.000 tỷ đồng. Hồ sơ vụ án thể hiện gói trái phiếu Công ty An Đông trị giá 25.000 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo.
Khi được tòa hỏi số tiền phát hành trái phiếu được dùng vào mục đích gì, bị cáo Lan nói SCB rất khó khăn, phát hành trái phiếu khoản sau để trả cho các khoản trước, trả lãi cho người dân và do SCB sử dụng chứ Vạn Thịnh Phát không được hưởng lợi.
Bị cáo Lan đề nghị HĐXX tạo điều kiện để thu hồi tài sản nhằm khắc phục hậu quả vì có một số cá nhân, tổ chức đang chiếm hữu số tiền 17.000 tỷ đồng.
Các bị cáo tại Toà.
Về hướng giải quyết bồi thường cho bị hại, bị cáo Trương Mỹ Lan nói trong giai đoạn 1 nếu thu hồi được sẽ có 21.000 tỷ đồng và nếu thu hồi được 17.000 tỷ đồng này nữa sẽ đủ bồi thường cho các bị hại.
Đồng thời, bị cáo Lan nói, trong trường hợp dự phòng, đề nghị SCB trả lại cho bị cáo này dự án 6A tại huyện Bình Chánh có diện tích hơn 26ha. Dự án này không thế chấp cho các tổ chức tín dụng và có nhà đầu tư trả giá gần 20.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Lan nói mình đang có 1 siêu dự án tại trung tâm TP.HCM có giá trị gấp 3 lần tòa nhà Timesquare và không bị kê biên.
Theo cáo trạng, để hợp thức, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được của SCB và sử dụng cho các mục đích cá nhân, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm thân tín chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB nhằm cắt đửt dòng tiền.
Việc rút tiền, chuyển tiền ra khỏi SCB được Trương Mỹ Lan thực hiện bằng cách chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo 1 số chi nhánh của SCB rút tiền mặt trực tiếp tại SCB hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các Công ty “ma”, cá nhân được chỉ định.
Khi chưa cần tiền sử dụng ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm thân tín sử dụng các pháp nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để nhận tiền. Khi cần sử dụng nhóm này sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để Trương Mỹ lan sử dụng.
Thủ đoạn tạo dòng tiền, che giấu nguồn gốc tiền chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan nhằm mục đích chi trả các khoản vay khác tại SCB, chi thực hiện các dự án, chi cho các cá nhân, thanh toán các khoản nợ của các Công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại các ngân hàng khác, trả gốc và lãi trái phiếu, chuyển tiền ra nước ngoài…
Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo hồ sơ xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã phát hành 25 gói trái phiếu “khống” không có tài sản đảm bảo, mất khả năng thanh toán cho 4 pháp nhân. Gồm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông; Công ty CP Đầu tư Quang Thuận; Công ty CP Đầu tư & Phát triển Sunny World và Công ty CP Dịch vụ - Thương mại TP.HCM hơn 30.000 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Đối với hành vi “Rửa tiền” số tiền hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 415.000 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội “Tham ô tài sản” của Ngân hàng SCB và hơn 30.000 tỷ đồng từ nguồn tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi “Vận chuyển tiền trái phép tiền tệ qua biên giới” đối với 4,5 triệu USD (hơn 106.000 tỷ đồng).