Pháp luật hiện hành chưa bao phủ đối tượng là người lao động làm công hưởng lương và có tham gia BHXH bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Song song đó, Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Việc làm nhiều nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, người lao động có ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương, cũng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất không chỉ mất việc làm mới được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Viết Long)
Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết với quy định trên, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dự kiến tăng thêm 60.000 người, giúp tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Thêm vào đó, chính sách cũng giúp người lao động an tâm hơn về tương lai, có được “điểm tựa” khi gặp rủi ro mất việc làm, giảm thu nhập. Người sử dụng lao động không phải chi trả trợ cấp mất việc làm khi người lao động nghỉ việc tại đơn vị.
Liên quan đến quy định này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Bởi lẽ, nếu theo quy định trên các doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngay từ thời điểm thử việc, tức là thời điểm chưa xác lập quan hệ lao động.
Luật Việc làm hiện nay có một quy định duy nhất hỗ trợ người sử dụng lao động đó là chính sách “hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chính sách, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ trên. Nguyên nhân là do các điều kiện hưởng chế độ quá chặt chẽ.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thì chính sách trên mới được phát huy, 66 doanh nghiệp đã được hỗ trợ với số tiền 38,87 tỉ đồng.
Từ kinh nghiệm đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa dự luật theo hướng sẽ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ doanh nghiệp vì các lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định theo hướng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho cả người lao động đang làm việc và bổ sung chi hỗ trợ tiền ăn cho người lao động (không hưởng trợ cấp thất nghiệp) trong thời gian học.
Về chế độ tư vấn và giới thiệu việc làm, cơ quan soạn thảo cho biết tính đến tháng 9-2024, hơn 15,6 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có hơn 1,74 triệu lượt người được giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, chưa có quy định về việc sử dụng kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, dù đây là một chế độ của người lao động nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và quy định cụ thể đối tượng được tư vấn, giới thiệu việc làm để đảm bảo các điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Luật Việc làm hiện cũng chưa có quy định các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các tình huống đột xuất như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…
Vì vậy, lần sửa này, Bộ LĐ-TB&XH muốn bổ sung chính sách trên để kịp thời giảm bớt khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp, như đã từng làm ở thời điểm bùng phát dịch COVID-19.