Các bị cáo tại phiên Tòa
Điện Biên, quê của In, Tiến, Cúc, Thành lâu nay vốn nổi tiếng là điểm nóng về tình trạng buôn bán ma túy nơi cực Tây của Tổ quốc. Với hai tuyến biên giới dài, toàn núi cao vực thẳm, có nhiều đường tiểu ngạch, đường dân sinh xuyên rừng, địa hình phức tạp, hiểm trở lại gần “rốn” ma túy Tam Giác Vàng - những yếu tố đó vô tình trở thành điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm buôn bán ma túy hoạt động.
Từ lâu, mảnh đất nằm tít hút nơi cực Tây Tổ quốc này được xem là nơi lý tưởng để trung chuyển ma túy về xuôi của đám “lái buôn tử thần”. Cơn lốc trắng càn quét qua vùng đất này khiến bao gia đình tan cửa, nát nhà, nhiều thanh niên trai tráng nghiện ngập, đi tù hoặc chết vì ma túy, vì nhiễm HIV/AIDS.
Lớn lên ở thời buổi ma túy hoành hành, xung quanh lại hình thành những rốn ma túy. Lợi nhuận từ cái thứ “vàng trắng” chết người ấy lại quá hời, Quàng Văn Tiến (SN 1996, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã không thể thoát khỏi cái vòng xoáy nghiệt ngã ấy.
Các bị cáo tại phiên Tòa (bị cáo Tiến đang đứng)
Giữa tháng 1/2019, bỗng dưng có một người tên Hải đến nhà dẫn theo một người đàn ông tên Nhài hỏi Lường Thị Cúc (vợ Tiến) để mua 10 gói ma túy lớn. Lúc này, Cúc từ chối vì không biết…Đêm đến, Cúc đem chuyện kể lại cho Tiến nghe, rồi hai vợ chồng cũng không quan tâm đến nữa.
Nhưng vài ngày sau đó, Hải và Nhài liên tục gọi vợ chồng Tiến hỏi về chuyện mua ma túy. Tiến cũng từ chối vì không biết chỗ mua hàng và cũng không có tiền để mua. Trước sự thúc dục hỏi mua hàng của Nhài và Hải, Tiến có mở lời với hai người này góp vốn hoặc cho mượn tiền nhưng cả hai không đồng ý.
Thời điểm Tết đến xuân về, buôn bán lại khó khăn nên Tiến đành “chơi lớn một lần” với hy vọng có một cái Tết ấm no. Tiến trao đổi với Nhài có 70 gói ma túy và được Nhài đồng ý mua với giá 13.000.000 đồng/01 gói. Sau khi thỏa thuận xong, Tiến điện thoại cho bà Quàng Thị In (mẹ ruột Tiến) để nhờ hỏi mua 70 gói ma túy thì bà In đồng ý. Do chỉ có 70 triệu đồng nên ngày 30/01/2019 Tiến mượn của anh Trịnh Văn Khỏe trú xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên 100 triệu đồng với lý do đi mua trâu.
Sau khi gom được tiền, Tiến về nhà đưa cho bà In 175 triệu đồng để nhờ mua 70 gói ma tuý. Lúc này, bà In đi qua nhà một đối tượng tên Bình ở Bản Nà Ngum, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để hỏi mua ma túy và hẹn giao ma túy vào chiều ngày hôm sau tại nhà bà In với giá 175 triệu đồng.
Hòng qua mắt được lực lượng chức năng, đối tượng tên Nhài đã liên lạc cho anh Vũ Xuân Khu ở TP.Điện Biên Phủ hỏi thuê chở một bộ hài cốt của bố thời chiến tranh từ Điện Biên về Huế. Hai bên thoả thuận giá vận chuyển là 35 triệu đồng, anh Khu có trách nhiệm trang hoàng xe theo kiểu xe chở đám tang và đến đón Tiến.
Do chưa lần nào đi Huế và sợ nguy hiểm nên Tiến điện thoại cho vợ bảo thuê Lường Văn Thành đi cùng, giá 50 triệu đồng. Trưa ngày 01/02/2019, Cúc dẫn Thành đi mua một điện thoại di động và sim điện thoại, đồng thời dặn Thành khi nào Tiến điện thoại thì về TP.Điện Biên đón xe đi Huế cùng với Tiến.
Khi đã mua được ma túy, Nhài hướng dẫn Tiến bỏ ma tuý vào trong tiểu sành chuyên bỏ hài cốt rồi sẽ có xe tang đến đón chở đi Huế. Khoảng 17 giờ 15 phút cùng ngày, anh Khu điều khiển xe có trang trí kiểu xe tang đến thì Thành và Tiến đưa tiểu sành bên trong đựng ma tuý lên xe và được chủ xe buộc cẩn thận vào khu vực bên dưới bát nhang. Trên đường đi, Thành và Tiến lấy vàng mã, nhang trên xe thay phiên nhau thắp, rãi như xe chở hài cốt thật nhằm đối phó với Cơ quan Công an.
Ngày 02/02/2019, khi xe chạy đến trước khách sạn Morin TP.Huế thì bất ngờ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện bắt quả tang. Thu giữ trên xe ô tô một hộp hình khối bằng sành sứ màu xanh, có nắp đậy (loại tiểu sành thường dùng để đựng hài cốt người) bên trong có tổng cộng 70 gói ma túy gồm 13.894 viên loại Methamphetamine. Thế là “một lần chơi lớn” của Tiến để “có một cái Tết ấm no” đã bị dập tắt, từ đây hắn đã chính thức được ăn Tết trong trại giam.
Đang được tại ngoại, đến ngày xét xử, bị cáo Lường Thị Cúc (SN 1997) theo cha mẹ vượt hơn 1000km từ Điện Biên đến Huế để tham gia xét xử theo giấy triệu tập của Tòa án. Vừa bước vào phòng xử án, mặt các bị cáo tái xanh tái xám vì sợ. Gặp được chồng, mẹ chồng sau một năm xa cách. Cúc cố trấn tĩnh bản thân, nhưng bị cáo cũng không giấu được sự đau đớn trong cô.
HĐXX nhận định, đây là vụ án mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trị an. Quàng Văn Tiến được xác định là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, vì hắn đã trực tiếp thỏa thuận mua bán với đối tượng tên Nhài.
Nghe HĐXX tuyên con trai mức án chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, bà Quàng Thị In, mẹ của bị cáo Tiến đã không thể bình tĩnh, bà ôm lấy ngực đau đớn. Sống ở “rốn ma túy”, hơn ai hết bà In biết hậu quả của hành động mua bán trái phép này. Nhưng có lẽ bà vẫn không thể ngờ được chính bà đã đẩy đứa con trai duy nhất của mình “vào tù không biết ngày về” như thế này!
Bà tham gia phiên tòa với tư cách là đồng phạm trong vụ án. Được HĐXX hỏi một số vấn đề, người làm mẹ như bà cảm thấy có lỗi với con cái vì sự nghèo túng. Bà đưa ra lý do nghèo khó để biện minh cho hành động sai trái của mình và con trai, con dâu.
“Nhẽ ra, ngoài pháp luật xử lý theo quy định, những người làm mẹ như bà càng phải mạnh tay ngăn cản con cái tránh xa với chất gây nghiện chết người này. Nhưng bà lại hám cái lợi “béo bở” ấy mà nhắm mắt tiếp tay, dung túng cho con mình bước vào con đường lầm lỡ. Rồi đây, cháu của bà ai sẽ chăm lo, dạy dỗ nó nên người?”- Vị Thẩm phán chủ Tọa phiên Tòa khẽ lắc đầu.
Dường như mọi sự chú ý đổ dồn về phía bà In, tuy bà không phải là người chịu mức án cao nhất nhưng có lẽ lương tâm bà đang bị dày vò nhiều nhất. Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX tuyên án Quàng Văn Tiến mức án chung thân; Quàng Thị In 20 năm tù; Lường Thị Cúc 15 năm tù với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”; Lường Văn Thành 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Thật đau xót bởi 3 trong 4 bị cáo đều là người cùng một nhà, phải nhận những tháng năm đằng đẵng chấp hành hình phạt trong trại giam. Trong lúc lẽ ra những người trẻ như họ là những người phải phấn đấu với hành động tái pháp luật, đóng góp trí tuệ, sức trẻ cho cộng đồng, xã hội. Thì giờ đây họ phải chôn vùi cuộc đời của mình ở sau song sắt cùng nỗi ân hận muộn màng.
Giá như họ biết vượt qua hoàn cảnh, sống cuộc sống của một người lương thiện bình thường, không dính đến “thứ chết người” ấy. Thì bản thân họ đâu thể vướng vòng lao tù, khiến vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ, tổ ấm gia đình nguội lạnh…Đường về nhà giờ đây chỉ còn trong giấc mơ!