Dự án thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào tháng 12/2022.
Trong đó, hạng mục lò đáy quay công suất 250.000 tấn/năm được triển khai trên khu đất 53.141m2. Dự án có tổng mức đầu tư trên 311 tỷ đồng.
Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: Thế Kha - Báo Dân Trí)
Theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện tại bụi, bùn và tạp chất rắn do hai lò cao của Formosa Hà Tĩnh (FHS) tạo ra được tiến hành lưu trữ hoặc được trạm xử lý bùn bụi trộn đồng nhất, sau đó được đưa đến quy trình thiêu kết để tái chế.
Trong số đó, bùn lò cao, bùn OG lò chuyển, sau một thời gian vận hành sẽ dần dần được tích tụ nhiều lên, trở thành bùn bụi có hàm lượng kẽm cao và khi trực tiếp đưa vào lò cao để tuần hoàn tái sử dụng sẽ ảnh hưởng đến ổn định trong vận hành và tuổi thọ của lò cao. Vì thế cần xử lý tách kẽm sau đó mới được đưa vào lò cao để tái sử dụng.
"Phải có một giải pháp mới để xử lý những tạp chất này là cấp thiết", chủ đầu tư nhận định.
Vị trí đặt dự án công trình lò đáy quay ở Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: Thế Kha - Báo Dân Trí)
Lò đáy quay (RHF) được lắp đặt như một giải pháp để xử lý bùn bụi có hàm lượng kẽm cao của khu liên hợp gang thép, không làm thay đổi quy mô sản xuất, công suất nhà máy thép.
Chủ đầu tư cho rằng công nghệ lò đáy quay đã được nhiều công ty gang thép trên thế giới chứng minh có khả năng thu hồi kim loại từ bùn bụi một cách hiệu quả.
Tại hồ sơ gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư cũng khẳng định công trình lò đáy quay là công trình phụ trợ với chức năng sơ chế nguyên liệu đầu vào cho lò cao của khu liên hợp gang thép, không phải công trình xử lý chất thải nên phù hợp với quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.