Hỏi:
Tôi đang lái xe trên đường có vạch phân cách, tuân thủ tốc độ và đi đúng làn dành cho ô tô. Phía làn trong có một chiếc xe gắn máy chạy trước tôi khoảng 3m (xe máy chạy đúng làn). Từ phía sau từ làn xe máy có một chiếc xe mô tô chạy tốc độ rất nhanh lao lên bất ngờ đâm vào xe máy đi trước. Cú va mạnh làm cho người ngồi trên xe máy ngã xuống trước đầu xe của tôi. Tình huống quá bất ngờ, tôi không xử lý kịp nên đã đụng phải nạn nhân làm nạn nhân bị thương tích 65%. Với trường hợp trên, tôi bị xử lý như thế nào và có bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hay không?
Cao Văn Phát (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Theo tình huống trên ông Phát đã vi phạm điểm b) Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;
Như vậy căn cứ quy định trên thì ông Phát đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên,thực tế ở đây ông Phát đang lưu thông bình thường trên phần đường của mình. Hành vi của ông Phát gây ra hậu quả do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nhưng, theo Khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới:
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Với tình huống nêu trên, thì đây là tình huống bất ngờ người điều khiển phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ (ô tô) và người chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại. Nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ông Phát sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu một phần bồi thường khắc phục hậu quả trong điều kiện có thể mặc dù bản thân không có lỗi.
Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.