Bị tạm giam vào ngày 24/3/2022, đến nay bị án Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) đã chấp hành án được 2 năm 13 ngày. Qua nhiều đợt giảm án, bị án Hằng sẽ được về sớm.
Bị án Nguyễn Phương Hằng
Như vậy, theo bản án TAND cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên, bị án Hằng còn phải chấp hành bản án đến ngày 24/12/2024, tức còn 8 tháng 17 ngày là mãn hạn tù. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thi hành án, người thi hành án còn được giảm án nếu chấp hành án tốt.
Do vậy, Nguyễn Phương Hằng có thể còn được giảm án vào các đợt giảm án nữa. Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người được tha tù cần có các điều kiện như: phạm tội lần đầu, có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo, có nơi cư trú rõ ràng, đã bồi thường thiệt hại và án phí, chấp hành được ít nhất ½ mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt từ chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn…
Thực tế, việc Tòa cấp phúc thẩm quyết định giảm án cho các bị cáo không kháng cáo không hiếm. Vừa qua, trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện là một minh chứng.
Trong vụ án này, mặc dù không có kháng cáo, tuy nhiên Huỳnh Thị Tú Trinh vẫn được TAND cấp cao tại TP.HCM giảm nhẹ 1 năm tù (Toà sơ thẩm tuyên 12 năm tù). Ngoài ra, Nguyễn Văn Kiên, Vi Thị Hiến và 4 người khác, Toà cấp phúc thẩm cũng giảm nhẹ hình phạt khi không có kháng cáo.
Trước đó, bị án Nguyễn Phương Hằng bị TAND cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đồng thời, Toà cấp sơ thẩm cũng tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; các bị cáo Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà mỗi người 1 năm 6 tháng tù.
Tại phiên Toà cấp phúc thẩm ngày 4/4, luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Anh Quân đồng tình với quan điểm cho rằng Quân phạm tội có tổ chức. Khi livestream, Đặng Anh Quân và Nguyễn Phương Hằng không bàn bạc, không thống nhất ý kiến trước. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo sự việc để lượng hình.
Các bị cáo tại Toà
Về việc Đặng Anh Quân xúc phạm nghệ sĩ Hoài Linh, đối đáp với cáo buộc của VKS, luật sư nói động cơ, mục đích phạm tội của Quân là nhằm phản biện xã hội. Quân tuyên truyền pháp luật, chỉ phân tích hành vi làm từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh chứ không xúc phạm người này.
Luật sư còn nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quân.
Đối với 3 bị cáo còn lại là Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi và Lê Thị Thu Hà, luật sư cho rằng 3 người này phạm tội đơn giản, chỉ làm công cho Nguyễn Phương Hằng để ăn lương, vai trò phạm tội không đáng kể.
Luật sư trình bày những người này có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, cho các bị cáo được hưởng án treo.
Đối với bị án Nguyễn Phương Hằng dù không kháng cáo, nhưng sau khi bào chữa cho Nhi, Hà, Tân xong, luật sư cũng xin HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị án Hằng…
Với việc bị án Nguyễn Phương Hằng không có đơn kháng cáo, nhưng vẫn được giảm án, nhiều người đặt câu hỏi Tòa cấp phúc thẩm có thẩm quyền hay không?.
Theo quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.
Toà nhận định, với tình tiết này của Hằng, được xem là tình tiết giảm nhẹ mới. Tại khoản 1 Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: “Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm…”
Vì vậy, Toà căn cứ Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự giảm 3 tháng tù cho Nguyễn Phương Hằng còn 2 năm 9 tháng tù.