Đức Giáo hoàng Francis chủ tế phong chức cho các Tân Hồng y.
Tại buổi lễ Đức Giáo hoàng Francis mong muốn "Cộng đồng quốc tế cần chấm dứt hận thù và không tấn công lẫn nhau hết lần này đến lần khác, điển hình là cuộc tấn công từ Iran vài ngày trước đang đe dọa đẩy khu vực vào cuộc chiến lớn hơn", Giáo hoàng Francis nói trong buổi tuyên bố quyết định bổ nhiệm tân hồng y.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh mọi quốc gia trên thế giới "đều có quyền tồn tại trong hòa bình và an ninh". Ngài đề nghị các nước "không tấn công hay xâm chiếm" lãnh thổ nước khác, tôn trọng chủ quyền của nhau, đảm bảo giải quyết bất đồng bằng đối thoại thay vì xung đột.
Đức Giáo hoàng Francis cho rằng các bên liên quan xung đột ở Trung Đông cần "trả tự do ngay lập tức" cho toàn bộ con tin ở Dải Gaza, bày tỏ đau xót khi khu vực "đang chìm trong đau khổ, với những hành động quân sự hủy diệt nhân dân Palestine". Đức Thánh Cha đề xuất ngừng bắn trên mọi chiến trường, trong đó có Lebanon.
Trong danh sách 21 tân Hồng y có Tổng giám mục Tehran Dominique Mathieu, nhà truyền giáo gốc Bỉ. Động thái này dường như nhằm nhấn mạnh nguyện vọng thúc đẩy đối thoại giữa Công giáo và Hồi giáo, đồng thời kêu gọi hòa bình trên toàn Trung Đông.
Ngoài ra Đức Giáo hoàng Francis còn bổ nhiệm giám mục gốc Ukraine Mykola Bychok tại Australia, người đang dẫn dắt cộng đồng theo Nhà thờ Công giáo Hy Lạp Ukraine (UGCC) ở khu vực châu Đại Dương. Ở tuổi 44, Bychok sẽ trở thành Hồng y trẻ nhất của Giáo hội Công giáo.
Đức Thánh Cha còn bổ nhiệm các giám mục đến từ Indonesia, Algeria, Nhật Bản, Bờ Biển Ngà, Canada và Anh làm Hồng y trong đợt này. 21 tân Hồng y của Giáo hội Cộng giáo sẽ được Giáo hoàng Francis sắc phong vào ngày 8/12.
Đức Giáo hoàng Francis vẫy tay chào các giáo dân tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, (Ảnh: AFP).
Trong giai đoạn lãnh đạo tại Vatican, Đức Giáo hoàng Francis đã cải cách mạnh mẽ cơ chế bầu chọn người kế nhiệm. Tăng số lượng Hồng y đại diện giáo hội ở nhiều châu lục khác nhau trên thế giới, thay vì truyền thống xưa cho một số giám mục ở một số giáo phận nhất định, phần lớn nằm trong lãnh thổ Italy, sẽ trở thành Tân Hồng y kế nhiệm.
Đồng thời chỉ những Hồng y dưới 80 tuổi được bỏ phiếu trong Mật nghị Hồng y, cơ chế chọn ra tân giáo hoàng cho Vatican khi Đức Giáo hoàng Francis qua đời. Tuy nhiên, mọi Hồng y đều có thể tham dự các cuộc họp trước khi bỏ phiếu để thảo luận về ứng viên, bất kể lứa tuổi.
Quyết định sắc phong Hồng y lần này từ Đức Giáo hoàng Francis chủ yếu hướng đến nhóm chức sắc Giáo hội Công giáo sẽ trực tiếp bầu chọn người kế nhiệm ngài.
Hồng y có sức ảnh hưởng chỉ xếp sau Giáo hoàng, giữ các vị trí cấp cao trong Vatican và là đội ngũ cố vấn cho người đứng đầu Giáo hội Công giáo. Giáo hội Công giáo hiện có 122 Hồng y dưới 80 tuổi và đủ tư cách tham gia Mật nghị Hồng y. Giáo hội quy định số người tham gia bỏ phiếu ở ngưỡng 120 thành viên, nhưng giới hạn có thể được áp dụng linh động.
Đức Giáo hoàng Francis đã nhiều lần nhấn mạnh các Tân Hồng y là những người phụng sự theo ơn gọi của mình, với tấm áo đỏ tượng trưng cho tinh thần "sẵn sàng đổ máu vì đức tin Công giáo".