Hỏi:
Năm nay tôi 21 tuổi, đang là công nhân may mặc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM). Sắp tới đây tôi sẽ tổ chức đám cưới với anh C (ngụ TP.HCM) nên dự định đăng ký kết hôn trước. Vì đăng ký hộ khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, công việc gần tết gấp hàng nên tôi không về xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được. Vậy tôi có thể nhờ người ba mẹ tôi xin được không?
Trần Ngọc Tiên (thường trú huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2015 NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
Giấy này được sử dụng tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, của nước ngoài để kết hôn hoặc sử dụng vào mục đích khác. Theo đó, giấy này không có giá trị sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiểu là loại giấy tờ cá nhân cam kết về tình trạng hôn nhân của mình: độc thân, đã ly hôn, đã kết hôn... khi muốn thực hiện một giao dịch hoặc một thủ tục nào đó như: Đăng ký kết hôn, thế chấp vay vốn ngân hàng...
Trong những trường hợp phải xác định quan hệ nhân thân, khi muốn xác nhận nghĩa vụ liên đới giữa vợ, chồng trong giao dịch... thì để thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân là rất cần thiết.
Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc về các cơ quan sau đây: Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam; Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú nếu công dân Việt Nam không có nơi đăng ký thường trú mà đăng ký tạm trú theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam có yêu cầu thì hai cơ quan trên cũng có thẩm quyền cấp xác nhận tình trạng hôn nhân.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 quy định về ủy quyền đăng ký hộ tịch thì người yêu cầu cấp bản sao hoặc đăng ký việc hộ tịch có thể ủy quyền cho người khác thực hiện hộ trừ các trường hợp sau đây: đăng ký kết hôn; Đăng ký lại việc kết hôn; Đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Như vậy, việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân có thể được ủy quyền, nhờ người khác đi làm thay được.
Lúc này, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Khi đó, phạm vi ủy quyền có thể bao gồm tất cả các công việc như trình tự, thủ tục từ khi nộp cho đến khi nhận kết quả.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ để chứng minh quan hệ.