Chiều 12/9, tại Hội nghị Uỷ ban MTTQVN TP.HCM lần thứ 15, Khoá XI nhiệm kỳ 2019 – 2024 (Hội nghị bất thường), Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN TP.HCM Nguyễn Phước Lộc tặng hoa chức mừng GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66, năm 2024.
Mở đầu buổi chức mừng, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN TP.HCM cho biết, ngày 31/8/2024, trong sự kiện trực tuyến toàn cầu đã công bố 5 chủ nhân của Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66. GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, hiện là Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban MTTQVN TP.HCM vinh dự được nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay này.
Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN TP.HCM Nguyễn Phước Lộc tặng hoa chức mừng GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Theo ông Sơn, đây là Giải thưởng thường niên, được thành lập vào năm 1957. Giải thưởng này được mệnh danh là “Giải Nobel Châu Á” nhằm tôn vinh những người “phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc Châu Á”.
GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được vinh danh là bác sĩ người Việt Nam có nhiều đóng góp. Bà đã cống hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu tìm ra sự thật về những tàn phá của chất độc da cam/dioxin. Đồng thời bà đã kiên trì theo đuổi công lý để đòi công bằng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN TP.HCM Ngô Thanh Sơn cho hay, đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng mà còn là niềm vinh dự và tự hào vô cùng lớn lao đối với ngành Y TP.HCM. Trong đó, Uỷ ban MTTQVN TP.HCM có một Phó Chủ tịch không chuyên trách được vinh danh ở giải thưởng cao quý này.
Phát biểu tại buổi chức mừng, GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: “Tôi thật xúc động vì được tặng hoa chúc mừng của Mặt trận. Sự công nhận của Mặt trận, của người dân Việt Nam đối với những gì tôi đã làm từ hơn 50 năm qua là rất quan trọng, quan trọng hơn cả Giải thưởng Ramon Magsaysay mà họ nói là Giải Nobel Châu Á”.
Bác sĩ Phượng cho biết thêm, hiện tại bà được sống trong một môi trường rất giàu tình thương. Từ Thành uỷ, UBND cho đến Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội nạn nhân chất độc da cam, Bệnh viện Từ Dũ tại TP.HCM… đã động viên bà rất nhiều.
Bác sĩ Phượng nói rất cảm động và niền vui tăng hơn khi gặp những nạn nhân mà mình đã hỗ trợ, gặp những bác sĩ trẻ mà trước đây là học trò của bà.
Năm 1997, GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã đưa thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo về Việt Nam. Ngày 30/4/1998, 3 em bé đầu tiên được thụ tinh bằng ống nghiệm đã chào đời. Sự thành công này mở ra niềm hy vọng cho nhiều phụ nữ vô sinh, hiếm muộn, đồng thời đánh dấu sự phát triển của y học Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời gắn bó với lĩnh vực sản phụ khoa, GS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã có nhiều công trình nghiên cứu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Ngoài ra, bà còn là người có nhiều công lao trong việc thành lập Viện Tim TP.HCM.
Năm 2000, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.