Sáng 25/6/2019 tại Khách sạn Đại Nam, số 79 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Hội thảo “Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức với doanh nghiệp”.
Với vai trò cùng đồng hành cùng doanh nghiệp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) đã có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thông qua Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin hữu ích, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh an toàn, chất lượng.
Đến tham dự có PGS TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM; Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS); TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM; Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC; Các báo cáo viên; Các đại diện đến từ các cơ quan nhà nước, các Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp, Luật sư, chuyên gia, các cơ quan truyền thông trên địa bàn TP.HCM.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Tại buổi khai mạc, TS Trần Du Lịch đã có những đánh giá khái quát về những diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng những tác động của cuộc chiến này đến hoạt động kinh tế, chính trị của quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tiến sỹ Lịch nhận định: “Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cùng với đó là các thách thức không nhỏ khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Để có thể nắm bắt, tận dụng được lợi thế và khắc phục những trở ngại hiện hữu, là nhân tố có tác động ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của nền kinh tế, doanh nghiệp phải cần có những góc nhìn, chuẩn bị những định hướng phù hợp cho mình”.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM phát biểu khai mạc Hội nghị.
Cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra phức tạp, khó lường. Việc áp thuế lên đến 25% đối với hàng trăm tỷ đô la hàng hoá xuất khẩu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng cũng như có khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, với những thách thức đan xen cơ hội.
Với mong muốn tạo dựng diễn đàn trao đổi thông tin giữa các chuyên gia và doanh nghiệp về những diễn biến xung quanh cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp liên quan hoạt động xuất nhập khẩu, cách thức ngừa những rủi ro trước những bất ổn thương mại của thế giới.
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc – VEPR (VCES), với sự nghiên cứu sâu rộng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Thành đưa ra những nhận định chi tiết về cuộc thương chiến thông qua góc nhìn đa chiều. Diễn giả đã tiến hành phân tích những diễn biến chính của chiến tranh thương mại. Từ đó đánh giá tác động đối với hai cường quốc tham chiến.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright cũng đã có những đúc kết về hệ quả liên quan đến thương mại và phát sinh từ tình hình cuộc thương chiến. Theo ông Xuân Thành, chính sách thuế mà Mỹ và Trung Quốc áp vào hàng hoá của nhau trong thời gian dài đã gây những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như xu hướng chuyển dịch, tái cấu trúc chuỗi cung ứng của hai cường quốc nói riêng và cả thế giới nói chung.
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Hội đồng Khoa học Pháp lý VIAC nêu những vấn đề pháp lý có thể phát sinh bởi tác động của cuộc thuơng chiến dưới góc nhìn từ Trung Quốc. Với dữ liệu đối chiếu về nguồn vốn FDI qua các năm tại Trung Quốc và Việt Nam, Luật sư đã cung cấp cho doanh nghiệp một cái nhìn khách quan về sự biến đổi trong thu hút vốn đầu tư ở nước ta dưới tác động của cuộc thương chiến. Theo đó, với những lợi thế sẵn có, đặt trong bối cảnh hiện thời, Việt Nam có nhiều cơ hội để “bắt tay” với nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy vậy, những bất cập về pháp luật lại là nguyên nhân làm cản trở tiến trình du nhập của những nguồn vốn khổng lồ. Luật sư nhấn mạnh, hiện nay phương thức trọng tài thương mại là một trong những phương thức hiệu quả khi doanh nghiệp Việt tiến hành giải quyết tranh chấp.
Luật sư Ken Đạt Dương, LS điều hành Công ty Luật TDL tại Hoa Kỳ cũng đưa ra những lập luận khách quan về vấn đề pháp lý dưới góc tiếp cận từ phía Hoa Kỳ. Vận dụng kinh nghiệp làm việc với doanh nghiệp Hoa Kỳ, LS Ken đã đưa ra những phân tích làm rõ những rũi ro pháp lý doanh nghiệp Việt có khả năng phải đối mặt khi giao dịch với Hoa Kỳ trong bối cảnh cạnh tranh thương mại chưa có dấu hiệu đình chiến.
Luật sư Ken Đạt Dương, LS điều hành Công ty Luật TDL tại Hoa Kỳ cũng đưa ra những lập luận khách quan về vấn đề pháp lý dưới góc tiếp cận từ phía Hoa Kỳ.
Liên hệ với các chính sách phòng vệ thuơng mại được Mỹ áp dụng trong thời gian qua, Luật sư Ken đã tiến hành chỉ điểm những trở ngại, rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi tiến hành vận chuyển hàng hoá sang Mỹ. Theo LS Ken: “Bắt nguồn từ cơ chế sân sau trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã chịu không ít những cản trở do Mỹ đặt ra khiến hàng hoá không thể lưu hành thuận lợi; điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều vấn đề pháp lý, mâu thuẫn phát sinh, đẩy doanh nghiệp Việt vào tình trạng thiệt hại về tài chính, hàng hoá đáng kể”.
Không những vậy, thông qua thực tiễn các vụ việc đã giải quyết, Luật sư Ken cũng đã có những phân tích cụ thể về vấn đề điều tra hàng hoá, những thuận lợi và hạn chế trong vấn đề chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam thời gian qua. Từ đó cung cấp cho doanh nghiệp những định hướng hữu ích về cơ chế giao kết, thực hiện giao dịch với đối tác Hoa Kỳ trong tương lai.
Hội thảo được tổng kết thông qua phần trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu và doanh nghiệp. Trong phần này, các câu hỏi của doanh nghiệp đã được giải đáp bởi các báo cáo viên của tất cả các phần. Nhờ vào đó doanh nghiệp có cái nhìn đa chiều và chuyên sâu hơn đối với những vấn đề đã được trình bày.