Hợp đồng FIDIC là những mẫu phổ biến nhất được sử dụng trong hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới hiện nay. Hợp đồng FIDIC tiêu chuẩn thường được sử dụng trong cả những dự án xây dựng lớn và nhỏ. Tại Việt Nam, việc áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC cho hoạt động xây dựng đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên không có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu rõ về FIDIC để tránh được những tranh chấp không đáng có.
Buổi Hội thảo có đông đảo đại diện đến dự
Đến dự buổi Hội thảo có ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ Xây dựng; Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC; Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch VECAS, Trọng tài viên VIAC; Ông Lê Nết, Trọng tài viên VIAC cùng hơn 200 đại biểu đến từ những cơ quan quản lý nhà nước, Doanh nghiệp xây dựng và các luật sư đến từ các công ty/ văn phòng luật trên địa bàn TP.HCM.
Quảng cáo
Phát biểukhai mạc buổi Hội thảo, ông Hoàng Hải cho biết số lượng tranh chấp xây dựng đưa ra giải quyết bằng trọng tài tại VIAC và hoà giải tại Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC đang ngày càng tăng. Với những vụ tranh chấp có giá trị lớn và độ phức tạp ngày càng cao; VIAC đã gặp các hợp đồng tranh chấp sử dụng mẫu FIDIC quyển Bạc và quyển Đỏ với giá trị tranh chấp thường ở mức 100 triệu USD và cao nhất là khoảng 250 triệu USD.
Tiến sỹ - Luật sư Lê Nết trình bày phần diễn thuyết của mình.
Trong phần đầu Hội thảo, bà Nguyễn Thị Duyên trình bày về “Tổng quan các mẫu Hợp đồng FIDIC và áp dụng tại Việt Nam”. Theo bà Duyên, có nhiều mẫu hợp đồng FIDIC khác nhau tương ứng với các loại dự án khác nhau. Tuy nhiên được áp dụng nhiều nhất tại Việt Nam có thể kể đến: Quyển màu Đỏ - Điều kiện Hợp đồng xây dựng; Quyển màu Vàng – Điều kiện hợp đồng cho thiết bị và thiết kế, xây dựng và Quyển màu Bạc – Điều kiện hợp đồng cho dự án EPC, chìa khoá trao tay.
Ông Trần Hữu Huỳnh và bà Nguyễn Thị Duyên điều phối các câu hỏi đến diễn giả trong buổi Hội thảo.
Tiếp theo Tiến sỹ - Luật sư Lê Nết trình bày về “Các tranh chấp Hợp đồng FIDIC thường gặp”. Với kinh nghiệm hơn 20 năm hành nghề luật sư và đã tư vấn rất nhiều hợp đồng xây dựng lớn nhỏ khác nhau, ông Nết đã đưa đến cho các doanh nghiệp một số khuyến nghị cụ thể giảm thiểu rủi ro trước và ngay cả khi tranh chấp đã xảy ra.
Phần cuối là phần trình bày của Luật sư Đỗ Khôi Nguyên, Luật sư thành viên, Công ty Luật YKVN với nội dung “Ban phân xử tranh chấp theo Hợp đồng FIDIC – Lựa chọn như thế nào cho phù hợp tại Việt Nam”. Ban phân xử tranh chấp (DAB) là cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù của Hợp đồng FIDIC mà nhiều doanh nghiệp chưa hiểu đúng về nó và cũng đã không sử dụng hiệu quả khi xảy ra tranh chấp.
Trong phiên thảo luận được điều phối bởi ông Trần Hữu Huỳnh, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh những vấn đề các diễn giả đã trình bày. Hội thảo nhằm đưa đến cho doanh nghiệp cũng như người sử dụng cách tiếp cận dễ dàng nhất, những biện pháp phòng tránh rủi ro khi sử dụng hợp đồng FIDIC.