Tại phiên thảo luận tổ sáng nay (15-11) trong việc cho ý kiến về dự Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất của Chính phủ khi đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề bị cấm.
Chính phủ phản ánh nhằm lý giải cho đề xuất trên rằng thời gian qua đã phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Nhiều nơi hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) tán thành với cơ quan soạn thảo bà cho biết dịch vụ kinh doanh đòi nợ hiện đang bị biến tướng phức tạp. Các khoản nợ vay giữa cá nhân, tổ chức không tuân theo quy định pháp luật. Khi có mâu thuẫn xảy ra, chủ nợ không tìm tới cơ quan pháp lý mà tìm tới các công ty đòi nợ thuê.
Đại biểu Dung chỉ ra: “Nhiều trường hợp họ bán nợ, tới 50% khoản nợ, nhưng vẫn nhờ tới công ty đòi nợ thuê vì cho rằng sẽ đòi được nợ, hơn là đòi theo đường pháp lý. Thực tế các công ty đòi nợ thuê có tính chất, hình thức của xã hội đen đã xảy ra, như ở TP HCM, Bình Dương, Gia Lai…”
Theo đại biểu Long An, chiêu trò của các công ty đòi nợ thuê thường là sử dụng các thanh niên xăm trổ tới gặp con nợ, uy hiếm người thân con nợ…, trong khi vai trò quản lý của Nhà nước còn mờ nhạt, gần như không kiểm soát được.
Đồng tình với việc cấm ngành nghề trên, song đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) yêu cầu ban soạn thảo báo cáo rõ thêm thời gian qua các doanh nghiệp này có hoạt động theo đúng giấy phép đăng ký kinh doanh không.
Ông Vảng nhận xét, báo cáo của Chính phủ trình mới là “đánh giá cảm tính”.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng đồng tình và khẳng định rằng đang có một hệ lụy rất lớn do biến tướng đòi nợ thuê nên pháp luật không được tuân thủ.
Vị đại biểu An Giang nói "Số "con nợ" hiện nay ở vùng nông thôn bỏ gia đình đi trốn nợ gây ra rất nhiều hệ quả cho xã hội do cách thức, phương thức, hoạt động đòi nợ thuê chủ yếu là đầu gấu, đầu mèo đến gây áp lực".
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cấm là không hợp lý
Xác nhận kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ví dụ về hoạt động “tín dụng đen”.
Ông Hiển nói : “Đứng sau các tổ chức này là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ trái pháp luật” và cũng cho rằng đây là hiện tượng cần nghiêm trị.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý.
“Quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh chứ, đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác” - ông Hiển nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho ý kiến về vấn đề trên thì ông lo ngại, cấm có thể sẽ biến tướng sang hình thức khác.
“Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế, nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm” – ông Nhường nói.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) đề nghị nên đánh giá tác động nhiều chiều, nếu do quản lý nhà nước chưa tốt thì phải bổ sung quy định để đảm bảo tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Làm rõ thêm việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, đây là vấn đề đang còn ý kiến khác nhau.
Bộ trưởng thừa nhận nhu cầu thực tế là có nhưng hiện đang phân ra 2 loại tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là khơi thông, bảo vệ quyền lợi người cho vay, thu hồi khoản nợ, còn tiêu cực là biến tướng nhiều khiến tình hình xã hội rất phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói: “Nếu có giải pháp nào khuyến khích được mặt tích cực, hạn chế tiêu cực thì rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu thêm, còn trước mắt Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung ngành nghề này vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh” .
Liên quan tới thắc mắc của đại biểu về việc xử lý thế nào với các trường hợp đang kinh doanh dịch vụ này, Bộ trưởng Dũng cho biết chưa nghiên cứu phần chuyển tiếp với doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê tới thời điểm Luật mới có hiệu lực. Ban soạn sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Link gốc đây