Phiên toà xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo, gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng sáng nay (2/4), luật sư và bị cáo bào chữa bổ sung, tiếp tục đối đáp lại VKS.
Các luật sư tạo Toà
Mở đầu, luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa bị cáo Trương Mỹ Lan) trình bày, tổng số tiền thiệt hại do SCB thuê Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để định giá tài sản nhằm xác định giá trị tài sản đảm bảo, nhưng chính SCB lại phủ nhận nhiều kết quả của công ty này.
Nhiều mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá, SCB chỉ chấp nhận 520 mã tài sản, chưa kể hàng trăm mã tài sản khác công ty này không chịu định giá vì cho rằng không đủ điều kiện pháp lý, không thuộc phạm vi định giá lại.
Đối đáp VKS, luật sư Thanh nói việc xác định thiệt hại dựa trên nguyên tắc lấy dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, song lại loại trừ một số tài sản đảm bảo khiến bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm với số thiệt hại cao hơn rất nhiều.
Luật sư Thanh nói tiếp “Trong vòng 10 năm, không có người dân nào khi đến SCB rút tiền mà không rút được tiền”.
Tiếp theo luật sư giơ tấm hình lên, trong có người đàn ông, theo luật sư người này làm tài xế và nói “Người đàn ông này là một trong rất nhiều người đã chịu ơn bị cáo Trương Mỹ Lan, họ xin gửi lời đến HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Lan. Một con người như vậy có cần loại ra khỏi vĩnh viễn đời sống xã hội hay không?”.
Bào chữa cho bị cáo Diệp Bảo Châu (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, bị đề nghị 10-11 năm tù) và bị cáo Phạm Văn Phi (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, bị đề nghị 7-8 năm tù), luật sư Trần Minh Hải đề nghị HĐXX xác định lại cách tính hậu quả của vụ án. Nhằm làm sao có lợi nhất cho thân chủ cũng như các bị cáo khác, đó là theo phương pháp dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo của mỗi khoản vay.
Với cách tính này, cần xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Châu trên cơ sở loại trừ con số thiệt hại dư nợ của 32 khoản vay. Bởi 32 khoản vay này, giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn tổng dư nợ gốc lãi còn lại.
Đối đáp lại VKS về việc giữ nguyên tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella), luật sư Trần Minh Hải nói, sau khi VKS luận tội, gia đình bị cáo Trí đã 2 lần khắc phục thêm 61 tỷ đồng, đề nghị HĐXX và VKS xem xét thêm cho bị cáo.
Luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB, bị đề nghị 19 - 20 năm tù về hành vi tham ô tài sản) cho rằng, cần phải xem xét số tiền chiếm đoạt.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Theo luật sư Công, bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan mà không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào. Hành vi của bị cáo Dung là thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay từ SCB theo chỉ đạo của bị cáo Lan, xử lý các khoản vay đến hạn đã có từ năm 2012, hoàn toàn không có các khoản vay mới.
Bị cáo Dung cũng như các bị cáo khác trong vụ án chỉ là người lao động, làm công ăn lương được giao nhiệm vụ liên quan đến các hồ sơ vay. Lúc đó bị cáo Dung với nhận thức Trương Mỹ Lan có nhiều tài sản, nhiều mối quan hệ làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài, có thể đảm bảo trả được các khoản vay tại SCB.
Luật sư cho rằng bị cáo Dung tham gia trong guồng máy SCB không phải là một mắt xích quan trọng, mang tính quyết định trong vụ án. Bời vì sau ngày 13/9/2022, khi bị cáo Dung nghỉ việc SCB vẫn hoạt động bình thường dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Về tình tiết tăng nặng do có thủ đoạn tinh vi đối với bị cáo Dung, luật sư nói bị cáo không phải là người đứng đầu, nên không thể có thủ đoạn tinh vi được, mong HĐXX xem xét thấu đáo cho bị cáo.
Đối đáp VKS, luật sư Nguyễn Thành Công (cũng là người bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương - cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị 19-20 năm tù) trình bày, thân chủ mình không tham gia xuyên suốt trong quá trình giải ngân, chỉ là một phần mắt xích trong đường dây rút tiền của Trương Mỹ Lan. Vì vậy, bị cáo Hồ Bửu Phương không dùng thủ đoạn tinh vi, không phải tội phạm có tổ chức… như tranh luận của VKS.
Trước đó, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét diễn biến mới liên quan tới một số dự án và tài sản được thẩm tra công khai tại tòa. Trong số 13 tài sản mà gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan tự nguyện cam kết khắc phục, có tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai, Hà Nội.
Công ty cổ phần Twin-Peaks có vay mượn khoản tiền khoảng 200 triệu USD của 4 ngân hàng nước ngoài. Tài sản thế chấp bao gồm tòa nhà Capital Place và quyền sử dụng tòa nhà này. Hiện tại, khoản vay vẫn chưa được tất toán hoàn toàn do còn dư nợ của 2 ngân hàng HSBC và OCBC Bank Singapore.
Luật sư cho rằng thời điểm đáo nợ là ngày 30/4, khi tất toán xong bị cáo Lan sẽ được quyền định đoạt tòa nhà để khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời, có 2 công ty cam kết hoàn trả cho bị cáo Lan hơn 2.700 tỷ đồng đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án, luật sư đề nghị HĐXX, VKS ghi nhận điều này.
Luật sư cũng gửi đến tòa văn bản ngày 27/3 của Tiến sĩ Justin Chiu, Giám đốc điều hành Tập đoàn CK Asset Holdings Limited. Đây là một trong những tập đoàn đầu tư lớn mạnh nhất Hong Kong trong lĩnh vực bất động sản do tỷ phú Lý Gia Thành sáng lập. Văn bản được chuyển cho HĐXX, VKS về việc tạo điều kiện đàm phán để đầu tư các dự án.
Cũng theo thông tin từ gia đình bà Lan, với mong muốn khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo đã liên hệ với quỹ Vantage Point, một trong những quỹ đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu Châu Á. Với mong muốn được đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến SCB, bà Lan mong muốn liên kết nhà đầu tư trên toàn cầu.
Với 13 tài sản nằm ngoài danh mục kê biên, gia đình bị cáo Lan đề xuất làm việc với quỹ đầu tư để sử dụng giải pháp chuyển nhượng dự án giá trị cao nhất để khắc phục hậu quả vụ án nhiều nhất.