Tổng thống Trump kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế trước các diễn biến mới ở Hong Kong - Ảnh: REUTERS
Trên Twitter cá nhân ngày 14-8, tuyên bố được ông Trump đưa ra như "đổ thêm dầu vào lửa" các suy đoán Trung Quốc sẽ hành động mạnh tay trước các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
"Tình báo Mỹ đã báo với tôi là chính phủ Trung Quốc đang điều quân đội áp sát biên giới Hong Kong. Mọi người nên bình tĩnh và tính tới an nguy", tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi đầu tuần này đã tung các video cho thấy hàng ngàn cảnh sát vũ trang Trung Quốc cùng các xe bọc thép chống bạo động tập trung tại Thâm Quyến "cho một cuộc diễn tập".
Trong một tuyên bố khác khi đến bang New Jersey ngày 13-8, tổng thống Mỹ mô tả sự việc ở Hong Kong là "khó khăn và phức tạp" nhưng hi vọng sự việc có thể được giải quyết một cách êm thấm và không đổ máu.
"Nhiều người đang đổ lỗi cho Mỹ và cả tôi vì những gì đang xảy ra ở Hong Kong. Tôi thật sự không thể hiểu nổi tại sao", ông Trump tiếp tục bày tỏ bức xúc trên Twitter.
Ngày 13-8 (giờ Mỹ), một loạt thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo hậu quả nếu "Bắc Kinh can thiệp vào tình hình Hong Kong", theo Hãng tin Reuters. Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin tuyên bố Quốc hội Mỹ sẽ hành động nếu Trung Quốc mạnh tay với người biểu tình, đồng thời chỉ trích ông Trump không quyết liệt trong vấn đề Hong Kong.
"Tổng thống Trump đã không rõ ràng trong việc tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Hong Kong trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự trị và quyền con người. Ông ấy đã cho Trung Quốc một cái cớ để đàn áp người biểu tình", ông Cardin chỉ trích.
Cảnh sát Hong Kong đụng độ với người biểu tình ở sân bay Hong Kong tối 13-8 - Ảnh: REUTERS
Đồng quan điểm, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng thông tin quân đội Trung Quốc đang tập trung xung quanh Hong Kong là một điều đáng lo ngại đồng thời kêu gọi ông Trump cứng rắn hơn nữa.
Hôm 12-8, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell cũng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ cuộc đàn áp bạo lực nào đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sẽ là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Các tuyên bố này sau đó nhận được sự hưởng ứng của chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi, đánh dấu một trong những lần hiếm hoi Đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng chung tiếng nói.
Đáp trả lại tất cả những điều trên, trong tuyên bố được phát đi vào cuối ngày 13-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, tiếp tục yêu cầu Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Bắc Kinh trước đó cáo buộc Mỹ đứng đằng sau các cuộc biểu tình ở Hong Kong - điều mà Washington đã phủ nhận. Bà Hoa nhấn mạnh những phát ngôn của các nghị sĩ Mỹ là "bằng chứng mới và mạnh mẽ" cho điều đó.
"Họ bất chấp sự thật, biến trắng thành đen và tô vẽ cho các hành động bạo lực như một cuộc đấu tranh đẹp đẽ cho nhân quyền và tự do. Mỹ nên lo chuyện của riêng mình thì tốt hơn. Hong Kong không phải là chuyện của các người", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc gay gắt.
Đụng độ dữ dội tại sân bay Hong Kong
Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong rạng sáng 14-8 cho biết cảnh sát đã rút khỏi sân bay Hong Kong sau một cuộc đụng độ "chưa có tiền lệ" với người biểu tình.
Người đàn ông Trung Quốc bị người biểu tình cáo buộc là "công an chìm" được lực lượng cấp cứu đưa khỏi sân bay Hong Kong tối 13-8 sau nhiều tiếng bị bắt trói - Ảnh: REUTERS
Tình huống dẫn đến căng thẳng giữa hai bên liên quan đến một người đàn ông đến từ đại lục tối 13-8. Những người biểu tình bắt giữ, trói tay chân và đánh ông này với cáo buộc ông ta là một công an chìm của Trung Quốc. Họ lục soát hành lý của ông ta bên trong khu vực làm thủ tục của sân bay và phát hiện một chiếc áo phông có in chữ "Tôi yêu cảnh sát Hong Kong" viết bằng tiếng Quan thoại.
Bị chất vấn động cơ, ông này khai chỉ đến Hong Kong để gặp bạn bè. Đám đông biểu tình sau đó ngăn cản lực lượng y tế tiếp cận người đàn ông nói trên khi ông này có dấu hiệu hoảng loạn và ngất xỉu, buộc cảnh sát phải ra tay "giải cứu", theo mô tả của SCMP.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo thuộc Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc, khẳng định người đàn ông bị quy chụp là công an chìm thật ra là một phóng viên của tờ này. "Phóng viên Fu Guohao của báo đã được cảnh sát giải cứu và đưa tới bệnh viện. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thêm về tình trạng của ông ấy", Hồ Tích Tiến viết trên Twitter.