Sở GTVT TP.HCM vừa ra quyết định phê duyệt nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 lên 7m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ thời kỳ 2021 – 2030, đồng thời giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang và tải trọng khai thác.
TP.HCM triển khai nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 và cầu Bình Triệu 1. (Ảnh: ĐT)
Việc nâng tĩnh không hai cây cầu này để có chung độ tĩnh không với các cầu khác trên sông Sài Gòn, giúp tàu, thuyền, ghe đi lại, chở hàng hóa… của TP.HCM đến các tỉnh lân cận được thuận tiện và đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (quốc lộ 13), nhà thầu sẽ kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,08 m bằng hệ kích thủy lực, đảm bảo đồng bộ và an toàn công trình. Tổng chiều dài dự án khoảng 770,4m với diện tích khoảng 1,08 ha và tổng vốn gần 133 tỷ đồng.
Tương tự, cầu Bình Phước 1 (quốc lộ 1) cũng sẽ được kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,25m bằng hệ thuỷ lực đảm bảo đồng bộ và an toàn công trình. Điểm đầu tuyến cách mố cầu hiện hữu phía Quận 12 khoảng 152m (hướng về nút giao ngã tư Ga). Tổng chiều dài dự án khoảng 759,69m với diện tích khoảng 0,95ha và tổng vốn đầu tư gần 111 tỷ đồng.
Tĩnh không được nâng lên, nhiều luồng đường thủy thông suốt giúp tăng kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ. Đơn vị này được Sở GTVT TP.HCM giao xây dựng kế hoạch chi tiết cho hai dự án trên và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự án, đảm bảo các thông số kỹ thuật.
Hiện nay, cầu Bình Phước 1 bắc qua sông Sài Gòn, nối TP Thủ Đức với Quận 12, thông xe năm 2003. Tĩnh không cầu chỉ khoảng 6m gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại.
Còn cầu Bình Triệu 1 nối TP Thủ Đức với quận Bình Thạnh xây trước năm 1975, được sửa chữa và mở rộng năm 2010. Tĩnh không cầu chỉ 5,5m cũng gây khó khăn rất lớn cho tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh.