Ngày 22/8, theo thông tin từ TAND huyện Củ Chi, người tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc" (tức Nguyễn Minh Phúc, 40 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) cấp sơ thẩm tuyên 8 năm tù, đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có đơn kháng cáo.
Trước đó, tại phiên toà ngày 6/8, chủ toạ thẩm tra lý lịch đối với bị cáo Nguyễn Minh Phúc. Phúc khai nghề nghiệp là tu sĩ, học vấn Thạc sĩ Luật kinh tế và Tiến sĩ Ngành Luật tôn giáo. Tuy nhiên theo kết luận giám định của Phòng kỷ thuật hình sự Công an TP.HCM kết luận là giả.
Bị cáo Nguyễn Minh Phúc tại toà ngày 6/8/2024.
Theo cáo trạng, năm 2021, bà Lê Thị H.T (SN 1973, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) mua 1 thửa đất có diện tích 420,3m² (nằm trong thửa đất số 26, tờ bản đồ số 15) tại địa chỉ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi của ông N.V.T và bà N.T.C.N với giá 2,4 tỷ đồng nhưng chưa làm thủ tục tách thửa được.
Đến ngày 7/10/2022, thông qua Lê Văn V. (SN 1990, ngụ huyện Củ Chi), bà T. quen biết và nhờ Phúc làm thủ tục tách 1 thửa đất thành 2 thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng. Phúc thỏa thuận với bà T. và V. làm thủ tục tách thửa đất với chi phí 135 triệu đồng, nhận trước 70 triệu đồng. Sau đó, Phúc thuê người làm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trên ứng dụng mạng xã hội, rồi đưa cho bà T. một bản.
Nguyễn Minh Phúc mang 1 bản còn lại cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T. cất vào két sắt, đợi đến lúc bà T. đưa hết số tiền còn lại mới giao trả. Sau khi bị bại lộ, Phúc bỏ trốn sang Thái Lan. Ngay khi về Việt Nam, Phúc bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi triệu tập để làm việc.
Khám xét khẩn cấp tại nhà của Phúc, cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi thu giữ 1 Giấy CNQSDĐ giả và 1 Giấy CNQSDĐ thật của bà T.
HĐXX phiên sơ thẩm.
Trước đó, tại buổi buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Nguyễn Minh Phúc học tại chùa Hoằng Pháp trong giai đoạn 2000-2010, người này mới làm lễ quy y, nhưng chưa xuất gia.
Đến năm 2010, Phúc trở về địa phương, tự lập chùa "Ngộ Chân Tử" để sinh hoạt tôn giáo trái phép và tự xưng là "Đại đức Thích Tâm Phúc". Cơ quan chức năng đã mời ông Phúc làm việc, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ biển chùa và không sinh hoạt tôn giáo tại nhà.
Sau đó, người này tiếp tục sinh hoạt tôn giáo trái phép, thông qua việc thành lập các công ty, doanh nghiệp ngụy trang. Cơ quan công an đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM rà soát, thu hồi tất cả giấy phép nói trên.
Liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức, năm 2019, Công an huyện Củ Chi đã kiểm tra, phát hiện nhà người này treo nhiều huân chương, bằng khen các loại cùng 3 giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, có con dấu. Qua công tác giám định, tất cả giấy tờ này là giả.
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 6/8, Phúc khai không quen biết với bà Lê Thị H.T. nhưng qua giới thiệu của Lê Văn V. nên mới quen. Chủ toạ hỏi “khi nhận tách sổ cho bà T, bị cáo cảm thấy làm được không?”. Phúc nói “dư khả năng”.
Chủ toạ hỏi “khi thuê người làm 2 sổ đất trên mạng xã hội, bị cáo biết đó là giả không?”. Phúc nói không biết. “Bị cáo có biết là phải ra công chứng mới tách sổ được không?”, chủ toạ hỏi tiếp. Phúc tiếp tục trả lời không biết.
Đối với các loại giấy tờ giả là Bằng Thạc sĩ Kinh tế và Bằng Tiến sĩ Ngành Luật tôn giáo bị cáo Phúc nói chỉ dùng với mục đích cá nhân, không dùng để lừa gạt ai.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Phúc thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Phúc nói “mình làm sai nên chịu sự trùng phạt của pháp luật, xin nộp lại các bằng cấp, giấy tờ giả”.
Phúc nói đã ăn năn hối cải, gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền cho bị hại. Phúc xin HĐXX xem xét được giảm nhẹ hình phạt, sớm về với gia đình để chăm sóc mẹ già và tiếp tục tu tập.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc 4,5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3,5 năm tù về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hình phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc phải chấp hành là 8 năm tù.