Thông qua luật sư, tình trạng sức khỏe của bị cáo Trí chuyển biến nặng. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, để có thêm tinh thần để đối mặt với ca phẫu thuật lớn sắp tới.
Ngày 19/11, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm liên quan đại án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1) tiếp tục với phần tranh luận.
Phiên toà phúc thẩm tại TAND cấp cao tại TP.HCM.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân (38 tuổi, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan) đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Vân nói mình hoàn toàn không tham gia bất cứ hoạt động tín dụng nào và cũng không sử dụng tiền vay vốn cho mục đích cá nhân.
Luật sư đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ. Theo luật sư, công việc thực tế tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bị cáo Vân chủ yếu là phụ việc cho Chu Lập Cơ (chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan). Luật sư cũng cho rằng, việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức đối với bị cáo Vân là không phù hợp.
Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo Vân được tặng thưởng nhiều bằng khen trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động xã hội và tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng. Đặc biệt, sau phiên sơ thẩm, bị cáo này đã nộp thêm 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Capella) cho biết, tình trạng sức khỏe của bị cáo Trí chuyển biến nặng.
Thông qua luật sư, bị cáo Trí mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, giúp bị cáo có thêm tinh thần để đối mặt với ca phẫu thuật lớn sắp tới.
Luật sư kiến nghị HĐXX ghi nhận tình tiết bị cáo Nguyễn Cao Trí đã khắc phục xong toàn bộ hậu quả của vụ án (nộp lại 1.000 tỷ đồng) và 299 triệu đồng án phí sơ thẩm; ghi nhận những đóng góp từ Tập đoàn của bị cáo Trí cho xã hội, cộng đồng (đóng hơn 600 tỷ đồng tiền thuế).
Trong phần kết luận về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng bị cáo Trí đã khắc phục toàn bộ hậu quả, có thành tích xuất sắc, hiện sức khỏe yếu nên có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Trí mức án 5-6 năm tù (sơ thẩm 8 năm tù).
Các bị cáo tại toà.
Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB), luật sư đề nghị xét lại thời điểm phạm tội của bị cáo này.
Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Dung đã ký khống 617 hồ sơ vay vốn tại SCB, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.690 tỷ đồng.
Với hành vi trên, bị cáo Dung bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Sau phán quyết trên, bị cáo này kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo này cũng bị phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 7 năm tù về tội “Rửa tiền”.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 lần này, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dung, tuyên phạt mức án 14-15 năm tù.
Theo luật sư, bản án sơ thẩm xác định chưa chính xác thời điểm bị cáo thực hiện hành vi giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Cụ thể, theo hồ sơ và lời khai, bị cáo Dung chỉ giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ, có thẩm quyền phê duyệt các khoản vay, trong khoảng thời gian từ ngày 7/1/2021 đến 15/8/2022.
Trong khi đó, từ ngày 11/9/2019 đến 7/1/2021, bị cáo giữ chức Phó giám đốc Khối tái thẩm định và xử lý nợ, không có thẩm quyền xử lý các khoản vay của bị cáo Lan nên không thể thực hiện hành vi giúp sức.
Tự bào chữa, bị cáo Dung gửi lời xin lỗi đến các đồng phạm, đặc biệt là những người chịu sự quản lý trực tiếp của mình, vì quá tin tưởng vào chỉ đạo của mình mà phải vướng vào vòng lao lý. Bị cáo Dũng cũng bày tỏ lòng biết ơn khi nhiều cấp dưới không bị truy tố.
Bị cáo Dung mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để sớm về với gia đình và người thân; mau chóng làm lại cuộc đời, giúp ích cho xã hội để chuộc lại lỗi lầm.