Ảnh minh hoạ Internet
Hỏi:
Năm 2019, tôi xin vào Công ty CP Truyền thông đóng trên địa bàn Quận 8, TP.HCM. Vì không có chuyên môn nên tôi chỉ được ký Hợp đồng Dịch vụ Cộng tác viên, thời gian làm việc linh hoạt, thù lao tuỳ theo công việc và được cấp Giấy chứng nhận (lưu hành nội bộ) để ra vào công ty.
Vừa qua, Giấy chứng nhận (GCN) của tôi đã hết hạn, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi không thể đến công ty gia hạn. Tôi dùng GCN công ty cấp, scan rồi sửa ngày gia hạn, thuê in màu (không nhớ chỗ thuê in) in ra bản sao có chữ ký và con dấu của giám đốc công ty để sử dụng. Ngày 13/9/2021 tôi đến công ty, có sử dụng GCN scan để xin qua chốt nhưng bị giữ lại, lực lượng chức năng thu GCN scan và các giấy tờ liên qua dù không gây ra hậu quả gì.
Xin hỏi quý Báo, trường hợp của tôi có bị khởi tố trách nhiệm hình sự hay không?
(Anh Nguyễn minh Thanh, ngụ Thủ Đức, TP.HCM)
Trả lời:
Làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức đang là vấn đề nóng trong xã hội hiện nay, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Tội phạm làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu để thực hiện trục lợi ngày càng trở nên tinh vi hơn, dẫn đến mất an ninh trật tự xã hội.
Tại Điều 341 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì tên điều luật đã diễn giải cụ thể về hành vi của tội phạm này. Về cấu thành tội phạm của tội này được hiểu như sau:
Khách thể của tội phạm, đối tượng tác động của tội này là con dấu giả, giấy tờ giả, tài liệu giả. Đối tượng bị xâm phạm là hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
Con dấu, giấy tờ, tài liệu là đặc trưng của cơ quan, tổ chức được dùng để khẳng định giá trị pháp lý đối với những văn bản, giấy tờ này. Do vậy làm con dấu, giấy tờ, tài liệu giả chính là xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này.
Chủ thể của tội phạm, tội làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu là người từ đủ 16 tuổi trở lên, đồng thời đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi phạm tội thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Nếu trong trường hợp người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn thì sẽ coi là tình tiết tăng nặng lạm dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội.
Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi làm giả về bản chất không có thật thì sẽ không có giả. Do vậy, con dấu, giấy tờ, tài liệu bị làm giả phải là con dấu, giấy tờ có thật của cơ quan, tổ chức và cơ quan, tổ chức đó phải có thật. Nếu làm con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức không hề có thật thì đây sẽ coi là hành vi lừa đảo chứ không phải làm giả con dấu, giấy tờ.
Hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà việc làm giả này không phải vì mục đích lừa dối người khác thì cũng không thể coi là phạm tội làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức được.
Về mặt chủ quan của tội phạm, tội làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức được thực hiện dưới lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ con dấu, giấy tờ, tài liệu này là giả nhưng vẫn sử dụng chúng để thực hiện hành vi lừa dối người khác để trục lợi.
Đối với trường hợp của ông Nguyễn Minh Thanh, chỉ thực hiện hành vi làm giả 1 lần do tự đi thuê in (không nhớ rõ chỗ in) thì vẫn có thể vi phạm tội làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức theo luật hình sự hiện hành.
Ngoài ra, việc xin đi qua chốt ông Thanh “không gây ra hậu quả gì” vì đã bị giữ lại, không phải là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội này. Chỉ cần người nào có hành vi làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, giấy tờ tài liệu đó để lừa dối người khác nhằm đạt được mục đích bất hợp pháp của mình thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu việc phạm tội gây hậu quả thực tế thì đây sẽ được coi là tình tiết định khung hình phạt.
Xét về động cơ phạm tội của ông Thanh cũng không phải là yếu tố bắt buộc. Tuy nhiên việc xác định động cơ cũng là điều hết sức quan trọng. Nếu ông Thanh thực hiện việc làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu vì lợi ích vật chất hoặc lợi dụng GCN giả xin qua chốt làm lây dịch bệnh thì sẽ khác với người làm giả con dấu, giấy tờ giả vì mục đích thành tích.
Như vậy, ông Thanh làm giả GCN của công ty dù giấy đó dùng để ra vào công ty đi nữa thì vẫn phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ông Thanh có thể vi phạm khoản 1, Điều 342 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Xin trả lời cho ông Thanh được rõ.