Những mảnh đời trôi dạt
Căn nhà lớn có khoảnh sân, bên hông nhà của một căn hộ ở quận Gò Vấp, ngày trước là bãi đất trống, sình lầy, nay đã được chủ nhà xây thành hai dãy ngăn làm nhiều phòng, mỗi phòng từ 10 đến 12 m2cho những người lao động nhập cư mướn từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Người có gia đình thì mướn luôn một phòng, còn các cô gái và những chàng sinh viên hùn nhau mướn chung vì họ không ở KTX. Không có bàn ghế, giường tủ, nền gạch bông lau sạch làm nơi ngả lưng sau một ngày lao động nặng nhọc, buổi sáng khu nhà vắng tanh, những người thuê đã toả đi mọi hướng, kẻ đi học, người kiếm sống để rồi khi thành phố đã lên đèn họ lại tụ về “tổ ấm”, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng, khu nhà vang lên tiếng trò chuyện, cười đùa.
Tôi tìm đến họ vào một buổi chiều cuối tháng 10. 3 cô gái ở trong một phòng 12 m2. Họ đang ngồi ở góc nhà dưới ngọn đèn neon. Các cô đang điện thoại về hỏi thăm gia đình. Tôi hỏi vì sao rời bỏ quê nhà? Mỗi người một hoàn cảnh, một cách trả lời khác nhau, nhưng đều chung một ý. Quê nhà quá nghèo không tìm được công ăn việc làm nên phải tha phương cầu thực. Cao Thị Nga, 24 tuổi quê ở Kon Tum vào TP được 4 năm hiện em đang làm công nhân ở Gò Vấp. Còn Lê Thị Thanh Vân, quê ở Châu Thành (Tây Ninh) tâm sự: “Ở quê đàn bà con gái tụi em khó kiếm việc làm, nếu may mắn xin được việc thì lương lại ít không đủ chi phí cho bản thân…”.
Kế sinh nhai
Dù việc làm chưa ổn định, đồng lương còn thấp, song may mắn hơn nhiều người khác ở quê. Những người mà tôi đã gặp ở đây đã tìm cho mình được kế sinh nhai.
Cao Thị Nga thỏ thẻ: “Quê em là một tỉnh Cao Nguyên, nhà máy công ty không nhiều nên mới vào đây tìm việc. Ở thành phố thu nhập bình quân (cả tăng ca) em được hơn 5 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, mỗi tháng gửi về gia đình 1,5 triệu. Tôi hỏi: “Vào thành phố em thấy thế nào, đã có người yêu chưa?”. Tủm tỉm cười, Nga nói: “Ở đây, người qua kẻ lại rất đông cũng vui, nhưng cuộc sống không hiếu khách như ở quê em. Nga trầm giọng, là con gái ai cũng nghĩ đến chuyện có người yêu và lập gia đình chứ…nhưng hiện nay em chưa có nghĩ đến, một vài năm nữa cũng đâu có muộn. Có những bạn ở quê em, khi vào đây đã nghe lời rủ rê bỏ làm đi bán “bia ôm”, hàng tháng gửi về nhà chục triệu đồng. Gia đình cứ tưởng vào thành phố dễ kiếm tiền, làm ăn mau giàu. Thực ra, kiếm được đồng tiền lương thiện thật vất vả”.
Lê Thị Thanh Vân, thu nhập hàng tháng sáu triệu đồng. Vân làm được 1 năm thì lấy chồng, từ khi lập gia đình đến nay, hàng tháng cặp uyên ương này tiết kiệm gửi tiền “xoay vòng” về cho gia đình. Tôi ngạc nhiên hỏi “xoay vòng” là sao? Vân bộc bạch: “Là tháng này tụi em gởi về cho ba má chồng 2 triệu, thì tháng sau cũng gởi cho ba má em 2 triệu. Tụi em đã gởi như vậy được 3 năm rồi. Lấy nhau xong, anh ấy muốn có con. Nhưng tụi em còn nghèo nên em động viên anh ấy cố gắng để qua năm công ty tăng lương, tiết kiệm và mượn tiền Công đoàn mua miếng đất nhỏ rồi mới sinh con”.
Rời Gò Vấp, chúng tôi đến phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12. Anh Mai Văn Hải, quê Nghệ An tâm sự: “Cách đây 1 năm lúc mới vào TP, em xin làm phụ hồ mỗi ngày được một trăm ngàn, phụ hồ, dang nắng cực lắm nhưng cũng phải cố gắng mới làm được một tuần, chủ thầu cho nghỉ vì chân em bị tật, làm chậm. Tình cờ gặp được thằn bạn cùng quê vào thành phố đã lâu, nó rủ em đi bán bánh chưng bánh giò, mới đầu đi bán, phải rao em chưa quen nên rất ngượng. Nhưng được hơn 1 tuần thì em rao rất nhuyễn và thấy nghề này cũng vui vui, mỗi tháng kiếm được 4-5 triệu, ăn uống dè xẽn, hàng tháng gởi về quê 1 triệu đồng. Cũng may em không hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê, chứ biết mấy món này thì tiền đâu mà gửi”.
Điểm dừng chân cuối cùng là quận Tân Bình. Ở đây, cứ vào mùa mưa nước ngập cả lối đi. Khi mùa mưa đến, vào nơi này phải hết sức thận trọng vì dưới lớp nước bẩn là ổ gà, cống rãnh. Dân nhập cư ở đây là những nam nữ thanh niên trong độ tuổi lao động, các cô gái thì làm ở các xí nghiệp may, giày da, còn các chàng trai thì làm đủ thứ nghề tự do: bốc vác, phụ hồ, mua ve chai, bán hủ tíu gõ, mỗi người thu nhập từ 5 triệu- 6 triệu đồng/ tháng.
Trần Văn Duy, 29 tuổi, quê ở Quảng Nam bán hủ tíu gõ: “Bán cả ngày lẫn đêm ăn uống dè xẽn hết 2 triệu đồng, tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng, số tiền còn lại dùng vào nhu cầu khác. Chỉ có các cô gái là có dư vì chắt bóp dành dụm được 1-2 triệu, chứ thanh niên tụi em thì sạch trơn”. Duy nói them: “Vậy chứ còn hơn ở quê nhà, đội nắng, đạp mưa từ sáng sớm đến tối mịt, một tháng cũng không kiếm nổi 3 triệu, vì thế tuy cực khổ nhưng vẫn dễ chịu hơn”.
Bùi Thị Hồng Hoa, 24 tuổi quê ở Thanh Hoá cùng 3 cô bạn đồng hương thuê căn phòng 14 m2với giá 1,7 triệu/tháng cho biết: “Ở đây tuy chật chội, nóng bức nhưng có nhà vệ sinh riêng cho mỗi căn, bọn em chỉ cần một chiếc chiếu đôi trải xuống nền nhà, chiếc bếp ga mini, vài ba cái nồi, chén dĩa là đủ”. Các cô làm 3 ca tại một xí nghiệp dệt may gần đó, vì thế họ phân công nhau đi chợ, nấu cơm. Nhờ vậy còn dư chút đỉnh, mua sắm. Về chuyện lập gia đình, Hoa bẽn lẽn nói: “Bọn em nghèo, lo chuyện ăn mặc chưa xong làm sao dám nghĩ đến chuyện lập gia đình”.
Rời những căn phòng cho thuê ấy, trong tôi chợt nghĩ. Những năm qua đã có không ít lời than phiền về sự gia tăng dân số gây không ít khó khăn trong công tác quản lý của thành phố. Song trừ những thành phần bất hảo, gây rối an ninh trật tự, còn hầu hết là những người lương thiện về cuộc sống ở quê nhà còn nhiều khó khăn, nên họ phải vào TP.HCM để bươn chải kiếm sống giúp đỡ gia đình, vượt qua khó khăn. Cũng từ đó, những lao động nhập cư này đã đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển của TP.