Mới đây, Đội CSGT-TT Công an huyện Hóc Môn phối hợp với Ban ATGT xã Xuân Thới Đông, Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn đồng hành tổ chức tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường cho giáo viên và học sinh Trường THCS Tân Xuân.
Ông Nguyễn Ngọc Tý – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn tặng nón bảo hiểm cho các em học sinh.
Việc tuyên truyền nhằm góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh; nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ giáo viên học sinh, phụ huynh... khi tham gia giao thông; góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe mọi người.
Nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật giao thông
Tại buổi tuyên truyền, hơn 2.500 học sinh đã được Báo cáo viên pháp luật Huyện thông tin tình hình tai nạn giao thông trong mấy tháng qua. Đồng thời, các em được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, những kỹ năng cũng như các hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Cụ thể, các em phải tự giác chấp hành nghiêm quy tắc giao thông đường bộ, điều khiển phương tiện lưu thông đúng theo biển báo và tín hiệu đèn giao thông, cách xử lý tình huống khi có tai nạn xảy ra... Bên cạnh đó, các em cũng được cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống bất ngờ và biện pháp hữu hiệu để phòng tránh tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Ngọc Tý – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn (Nón Sơn) hướng dẫn các em cách chọn và sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách, đạt chuẩn. Kỷ năng này bảo vệ an toàn cho các em khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy, xe máy điện khi tham gia giao thông. Đồng thời Giám đốc điều hành Nón Sơn trao tặng nhiều mũ bảo hiểm cho các em học sinh của Trường.
Ông Nguyễn Ngọc Tý tại xưởng sản xuất nón vải.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tý cho biết, đây là hoạt động thường xuyên của Nón Sơn. Hoạt động này rất bổ ích, ý nghĩa để các em nâng cao nhận thức, chấp hành tốt pháp luật giao thông; giúp các em hiểu biết để điều khiển phương tiện an toàn, bảo vệ được bản thân mình và người tham gia giao thông…
Nói về Nón Sơn ông Tý chia sẻ, cùng đam mê về thời trang với nhà sáng lập Trần Anh Sơn nên anh chấp nhận tham gia điều hành Nón Sơn từ năm 1996.
“Chúng tôi chỉ bán nón, là người đầu tiên định hình thị trường chuyên về nón mũ tại Việt Nam. Nón Sơn chọn đặt chất lượng lên hàng đầu nên giai đoạn đầu chấp nhận lỗ để xây dựng thương hiệu bền vững,” người điều hành Nón Sơn nói.
Giám đốc điều hành Nón Sơn chia sẻ, Nón Sơn đặc biệt quan tâm đến các vụ sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả.
Theo ông Tý, ngoài vai trò Tổng giám đốc, ông Trần Anh Sơn tập trung thiết kế mẫu và giao việc điều hành, trả lời báo chí cho Giám đốc điều hành. Tuy nhiên, hầu hết các lần tiếp xúc với giới truyền thông, ông Tý đều đề cập đến câu chuyện hàng giả, hàng nhái.
Tuyên chiến với sản phẩm giả mạo
Nhiều năm nay, Nón Sơn không chạy các chiến dịch quảng bá thương hiệu mà dành nguồn lực cùng lực lượng chức năng các tỉnh thành, kiểm soát các cơ sở sản xuất, bán sản phẩm giả mạo của công ty.
Theo ông Tý, mới đây (hôm 24/12), tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã tổ chức tiêu huỷ hơn 26.000 nón giả nhãn hiệu Nón Sơn cùng các loại phụ kiện có liên quan, trị giá hơn 40 tỷ đồng.
Giám đốc điều hành Nón Sơn chia sẻ, Nón Sơn đặc biệt quan tâm đến các vụ sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả. Vì các cá nhân, cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn chỉ nhắm vào lợi nhuận phi pháp. Trong khi công ty bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về mặt thương hiệu, đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Giám đốc điều hành Nguyễn Ngọc Tý tại phòng trưng bày sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với lực lượng chức năng truy vết các vụ buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái dưới bất kỳ hình thức nào, để đưa các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ra ánh sáng, đảm bảo thương hiệu cho chúng tôi và an toàn cho người tiêu dùng”, ông Tý quyết liệt.
Việc tiêu hủy hàng hóa giả mạo này là tang vật trong vụ án tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả thương hiệu Nón Sơn, được TAND TP.HCM tuyên tổng hình phạt lên đến 28 năm 6 tháng tù đối với nhóm gồm 6 bị cáo vào ngày 29/8,
Gần đây (ngày 15/11), TAND TP Nha Trang (Khánh Hoà) tuyên phạt 2 bị cáo tổng mức án 14 năm 6 tháng tù về hành vi buôn bán gần 3.200 mũ bảo hiểm giả thương hiệu Nón Sơn, giá trị gần 1,2 tỷ đồng.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Trước đó, ngày 5/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam 1 bị can ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm để điều tra về hành vi mua bán hàng giả gần 2.300 chiếc mũ bảo hiểm của thương hiệu Nón Sơn. Lô hàng này nếu đem ra thị trường tiêu thụ có giá trị khoảng hơn 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, chiều 6/3, Đội quản lý thị trường, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công ty Nón Sơn đã tổ chức tiêu hủy hơn 300 chiếc nón bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn.
Ông Tý cho biết, phía cơ sở kinh doanh của đối tượng đã tự nguyện phối hợp cùng với công ty tiến hành tiêu hủy số nón bảo hiểm giả trị giá hơn 200 triệu đồng. Mong rằng các cá nhân, cơ sở kinh doanh sẽ không vì lợi nhuận mà sản xuất, mua bán sản phẩm giả đã đăng ký độc quyền thương hiệu.
Hành động này không những gây thiệt hại về uy tín cho doanh nghiệp mà còn gây hậu quả đáng tiếc cho người tiêu dùng. Và còn rất nhiều vụ án đã được TAND các tỉnh, thành đưa ra xét xử trước đó.
Trong chuyến du lịch vào Sài Gòn, tìm mãi không mua được chiếc mũ che nắng vừa ý, ông Trần Anh Sơn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà nảy ra ý định kinh doanh mũ nón. Khi ấy, bà Hà là tiếp viên hàng không, phụ trách nhập hàng từ Hàn Quốc, còn ông Sơn đi bỏ mối, ký gửi vào các tiệm bán quần áo.
Sau ba năm chỉ nhập hàng về bán, thấy người tiêu dùng có nhu cầu mẫu mã đa dạng, vợ chồng ông Sơn quyết định đầu tư sản xuất. Ông lấy tên mình làm thương hiệu sản phẩm, tự thiết kế logo rồi đi đăng ký thương hiệu từ năm 1996.
Khi mới ra đời, Nón Sơn chỉ sản xuất nón vải cho nữ. Những năm đầu 2000, thương hiệu nón gắn liền với các cửa hàng thiết kế màu hồng bắt mắt giữa các con đường lớn của Sài Gòn.
Năm 2007, chuỗi cửa hàng vừa hình thành thì gặp phải lúc Chính phủ quy định người đi xe máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Nón Sơn bắt tay sản xuất mũ bảo hiểm. Mất hơn một năm để khách hàng dần chấp nhận sản phẩm phân khúc giá cao, đồng thời mở rộng các loại khác như nón phớt, nón vành, nón kết…