Trong quản lý có sơ hở
Trưởng Phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, bà Nguyễn Thành Phụng cho hay mỗi ca trực tại trung tâm luôn bố trí cán bộ trực là giám đốc hoặc phó giám đốc, cán bộ chủ chốt, phòng khoa với số lượng 11 - 12 người/ca. Đều có nhân viên nam và nữ trong mỗi ca trực, nhưng hiện do số lượng nhân viên nữ ít nên có ca trực chỉ có nam.
Trưởng Phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nói: "Việc bố trí ông Dũng trực đêm là thực hiện theo quy định của đơn vị hằng tháng. Vấn đề là ông Dũng có được phân công ở khu nữ hay không, chúng tôi đang rà soát".
Bà Phụng thừa nhận đó là sơ hở do ông Dũng thực hiện hành vi dâm ô với các em qua cửa sổ phía sau phòng C2. Sở có ghi nhận và chỉ đạo trung tâm khắc phục. Bà Phụng cũng cho biết các em gái có khu ở riêng theo độ tuổi.
Theo bà Nguyễn Thành Phụng, sở hằng năm đều có kế hoạch kiểm tra giám sát, thanh tra định kỳ các đơn vị bảo trợ xã hội. Bà cũng thừa nhận: "Tuy nhiên, sự việc như vừa qua không được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát mà do nguồn tin từ báo chí... Sự việc xảy ra là sự cố đáng tiếc không ai mong đợi và chúng tôi nhận trách nhiệm của mình".
Trưởng Phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nói vấn đề lắp đặt camera giám sát thì đến nay trung tâm đã lắp đặt. "Trong thời gian thanh tra trung tâm, tôi cũng ghi nhận việc đơn vị lắp đặt hệ thống camera để hỗ trợ trong việc giám sát công tác chăm sóc, quản lý".
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, ông Trần Ngọc Sơn nói về thông tin chung về hoạt động của các trung tâm bảo trợ, ông cho biết sở có 18 cơ sở bảo trợ. Hằng quý, 6 tháng đều có giao ban để vừa kiểm tra công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng vừa nghe báo cáo khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để công tác chăm sóc các em tốt hơn.
Ông Trần Ngọc Sơn cho biết: "Sáng 19-11 ban giám đốc sẽ làm việc với toàn bộ các cơ sở bảo trợ. Qua vụ việc trên, chúng tôi đề nghị các cơ sở rà soát, chấn chỉnh để bảo vệ tốt nhất đối với các em. Sở yêu cầu lãnh đạo trung tâm kiểm điểm, giải trình trong việc phân công, phân nhiệm, quản lý cán bộ, nhân viên để dẫn đến vụ việc trên".
Liệu rằng có việc bao che trong vấn đề này?
Bà Nguyễn Thành Phụng khẳng định không có việc bao che liên quan đến thắc mắc về việc sở "chậm, bao che" trong xử lý vụ việc.
Bà Phụng lý giải: vào ngày 8-11, Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TP có văn bản báo cáo cho sở về vụ việc. Giám đốc sở bút phê giao bà Phụng xác minh.
Bà Phụng đi công tác ở Hà Nội về tiếp nhận báo cáo vào ngày 11-11. Tham gia đoàn thanh tra đột xuất (được lập trước đó) Trung tâm hỗ trợ xã hội cũng là nhiệm vụ phân công cho bà Phụng lúc này. Do đó, bà Phụng kết hợp việc xác minh thông tin cùng với công tác thanh tra.
Cùng với đó, để bảo đảm thông tin xác minh được khách quan, các bên liên quan ở Trung tâm dạy nghề được bà Phụng tiếp xúc riêng, nắm thêm thông tin từ các nguồn khác mà không hề làm việc hay thông báo với lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ xã hội.
"Quá trình thu thập, từ ngày 16-11, Công an quận Bình Thạnh vào cuộc. Tôi phải xác minh khách quan, thận trọng để tham mưu cho lãnh đạo sở xử lý. Đến ngày 17-11 là thời điểm chín muồi, chúng tôi đã xác minh được các dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Dũng nên cùng phối hợp với cơ quan công an xử lý..." - bà Phụng nói.
Trưởng Công an quận Bình Thạnh, Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng cũng cho hay quá trình xác minh xử lý vụ việc, Công an quận nhận được sự phối hợp tốt từ đơn vị của sở.