Bị cáo Trần Quí Thanh cho rằng mình không chiếm đoạt mà là chỉ chiếm giữ, chỉ vi phạm hành vi chiếm giữ, đồng thời đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Trần Quí Thanh.
Sáng 6/9, TAND cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Quí Thanh (71 tuổi, Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) cùng con gái là Trần Uyên Phương (43 tuổi).
Trước đó, ngày 20/8 phiên toà này đã được mở. Tuy nhiên, sau khi thư ký thông báo sự có mặt, vắng mặt của đương sự, người liên quan, luật sư… chủ toạ hội ý rồi quyết định dừng phiên toà vì có nhiều người vắng mặt. Đặc biệt, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Quí Thanh có đơn xin hoãn phiên toà.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trần Quí Thanh, bị cáo Uyên Phương và kháng cáo của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trả lời HĐXX trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Quí Thanh cho rằng mình không chiếm đoạt mà là chỉ chiếm giữ, chỉ vi phạm hành vi chiếm giữ. “Tôi chỉ giữ giấy tờ chứ không giữ đất”, bị cáo Thanh giải thích.
Bị cáo Thanh đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt thông qua việc xem xét mọi chứng cứ buộc tội, gỡ tội một cách khách quan, xác định lại mức án một cách chính xác.
Về dân sự, bị cáo Thanh xin cấp phúc thẩm xem xét lại quan hệ dân sự, vì tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đến tài sản hợp pháp của bị cáo. Hiện nay người bị hại chưa trả gốc, lãi, lãi phạt cho ông. “Khi người bị hại trả gốc và lãi thì bị cáo mới trả lại tài sản”, bị cáo Thanh nói.
Bị cáo Thanh xin HĐXX xem xét bản thân đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo có nhiều cống hiến cho xã hội, thường làm từ thiện, tạo công việc làm cho nhiều người qua Công ty của mình. Hiện tại bị cáo Thanh tuổi đã cao, sức yếu, có nhiều bệnh, mong HĐXX xem xét.
Theo bản án sơ thẩm, từ 2019 - 2020, bị cáo Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích thông qua môi giới đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Song bị cáo Trần Quí Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản mà yêu cầu người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản và cổ phần của dự án để che giấu bản chất của việc cho vay.
Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận bán lại tài sản ban đầu, thì các bị cáo đưa ra nhiều lý do để không trả lại.
Cơ quan điều tra xác định, bị cáo Thanh và hai con gái đã thực hiện tổng cộng 4 vụ chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Thanh chiếm đoạt 2 dự án là Minh Thành và Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông…
HĐXX phiên xét xử Trần Quí Thanh.
Xét yêu cầu của các bị hại về việc hủy các hợp đồng được cơ quan chức năng công chứng, chứng nhận, bị hại hoàn trả tiền đã vay của cha con bị cáo Trần Quí Thanh và xin nhận lại tài sản. HĐXX cho rằng yêu cầu này của các bị hại là có cơ sở nên chấp nhận.
Theo đó, TAND TP.HCM buộc 4 người bị hại trả lại tiền đã vay của ông Trần Quí Thanh, gồm: bà Đặng Thị Kim Oanh phải trả lại hơn 235 tỷ đồng tiền gốc, ông Lâm Hoàng Sơn phải hoàn trả 115 tỷ đồng, ông Trần Huy Đông phải hoàn trả 78,4 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Chung hoàn trả 34,7 tỷ đồng.
Sau đó, các bị hại sẽ được nhận lại các tài sản của mình bị cha con bị cáo Trần Quí Thanh chiếm đoạt.