Đầu tiên xin chúc mừng những lời chúc tốt đẹp nhất đến các Nhà báo chúng ta!
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019) xin ghi lại đôi nét về Nhà báo tài hoa cụ Phan Đăng Lưu. Từ sáng đến giờ trong lòng cũng nôn nao dẫu biết rằng mình chẳng là gì cả!!!
Nhà báo Phan Đăng Lưu - Một nhân cách lớn, một tấm gương vĩ đại, một con người học vấn uyên thâm. Một tấm lòng ái quốc ngút trời, theo phong trào cách mạng kháng Pháp từ khi còn đi học để rồi sau đó kết thúc cuộc sống trước họng súng kẻ thù khi chưa đến 40 tuổi. Một con người như thế khi nhắc đến thì trong làng báo ai cũng nghiêng mình.
Công lao quan trọng của cụ Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng nghiệp của ông thời bấy giờ là vận động thành lập Mặt trận Dân chủ, nội dung chính là đấu tranh đòi hỏi tự do báo chí, thành lập nghiệp đoàn báo giới. Hội nghị báo giới Trung Kỳ chính thức họp ngày 27-3-1937 tại Huế. Đã tạo tiền lệ, góp phần đưa tới việc Hội nghị báo giới Bắc Kỳ họp ngày 24-4-1937 tại Hà Nội. Công lao ấy đã thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị báo giới toàn quốc thành công.
Nhà báo Phan Đăng Lưu
Đây là bài báo của cụ đã đăng số ra ngày 10-11-1938 trên báo Dân tiến:
VỀ TỰ DO BÁO CHÍ
Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:
1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.
4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chánh sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hoá của dân chúng mà thôi.
Báo Dân tiến (Số ra ngày 10-11-1938)
Tại Bách khoa toàn thư:
Cụ Phan Đăng Lưu (1902 – 1941) là nhà hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng là UVBCHTW Đảng CSVN (1937), UVBTVTW Đảng (1938). Ông từ chối không nhận làm Tổng Bí thư vì bận vào Nam Kỳ cùng Xứ Uỷ lãnh đạo cách mạng.
Thuở nhỏ học giỏi thông minh, năm 16 tuổi phải tăng thêm 2 tuổi để được dự kỳ thi Hương. Sau đó nhanh chóng học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại Vinh và Huế, ông đều tốt nghiệp hạng ưu rồi được bổ nhiệm làm Thông phán (Phán Tằm).
Cuối năm 1926, ông ký tên vào Bản Yêu Sách đòi chính quyền thực dân Pháp trả tự do cho chí sĩ Phan Bội Châu. Bởi vậy ông bị đổi đi nhiều nơi, giữa 1927 bị thải hồi vì “Vô kỷ luật, hoạt động chống đối”.
Tháng 9-1929, ông bị bắt tại Hải Phòng kêu án 3 năm khổ sai, đày đi Buôn Mê Thuột, mức án cao nhất đối với lãnh đạo Đảng Tân Việt. Trong tù ông học tiếng Ê Đê và làm báo tiếng Ê Đê (Doản-Đê tù báo). Vì vậy bị tăng lên 5 năm tù khổ sai, cấm cố tại xà lim, bị liệt vào “loại nguy hiểm”.
Bài báo của cụ Phan Đăng Lưu ra ngày 10-11-1938 đăng trên báo Dân tiến
Giữa năm 1936 ông ra tù, bị quản thúc ở Huế. Thời gian này ông hoạt động báo chí mạnh nhất và có nhiều đóng góp xuất sắc vào cuộc vận động hợp pháp và nữa hợp pháp ở Trung Kỳ. Đặc biệt tổ chức Hội nghị báo giới Trung Kỳ. Ông trực tiếp viết bài và chỉ đạo các báo như báo Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn... Đồng thời viết nhiều sách lý luận chính trị, lý luận văn học... Từ 1937 – 1940, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ trong phong trào cách mạng.
Tháng 11-1940, tại Đình Bảng, Bắc Ninh, ông chủ trì Hội nghị Tái lập BCHTW Đảng và chính thức chuyển cơ quan Trung ương Đảng từ Nam ra Bắc. Tại đó được cử làm Tổng Bí thư nhưng ông từ chối vì phải về miền Nam có Xứ Uỷ và bà con ngóng chờ kết quả chuyến đi.
Vào ngày 22-11-1940, khi vừa đặt chân về Sài Gòn, do có kẻ chỉ điểm nên ông bị mật thám Pháp bắt. Ông chưa kịp truyền đạt lại chỉ thị của Trung ương về việc hoãn khởi nghĩa, thì cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra vào 1 ngày sau.
Ngày 26-8-1941, ông cùng Nguyễn Văn Cừ bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.
Gia cảnh của cụ Phan: Ông là một trong bốn người con trai của cụ Phan Đăng Dư hay còn gọi là Cụ Phán. Vì trong bốn người con trai đã có ba người là Thông phán. Cả ba về sau đều hoạt động cách mạng chống chính quyền thực dân Pháp. Năm 1908, Cụ Phán cùng Cử nhân Chu Trạt tập hợp những người nghĩa khí vào “Nghĩa Đảng” nhưng sau đó bị chính quyền thực dân bắt và đánh hỏng bàn tay cầm bút. Phan Đăng Lưu có một gái và một trai với bà lớn, một trai với bà nhỏ tất cả đều tự lập và đỗ đạt, thành danh về sau.
Khi hay tin Phan Đăng Lưu bị tử hình thì quan huyện tại quê nhà đã tịch thu gia sản của ông. Chúng chia ra làm các phần, rồi hoá giá phần của ông và yêu cầu vợ con ông phải nộp tiền để thế tài sản này. Sau đó hàng tháng vào ngày rằm phải mang lễ xôi - gà đến nhà quan huyện cống nộp mong yên ổn cuộc sống.
Sau khi miền Bắc cướp được chính quyền từ tay thực dân 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành Cải cách ruộng đất tại miền Bắc vào những năm 1953 – 1956. Chương trình nhằm xoá bỏ văn hoá phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản quốc”, “phản động” như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập...
Một trong những phương cách chính yếu mà chủ nghĩa cộng sản nghĩ rằng phải thực hiện để có xã hội công bằng, thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội nhanh chóng. Dựa theo mô hình “thổ địa cải cách” của Trung Quốc (1946 – 1949), cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để nhất, đặc biệt với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ Trung Quốc. Để lại hậu quả khôn lường do đánh giá sai lầm về tình hình khác biệt giữa nông thôn Trung Quốc và nông thôn Việt Nam, quá tin tưởng và chịu sức ép từ các cố vấn Trung Quốc.
Đầu năm 1955, trong “Cải cách ruộng đất”, gia đình cụ Phan Đăng Dư bị chính quyền cách mạng mới quy tội địa chủ “bốc lột”, tất cả nhà cửa, gia sản, trâu bò, ruộng đất... bị tịch thu. Cụ Phán bị lôi ra đấu tố, kết án 20 năm tù và bị giải đi nhà lao Bến Hới (Tân Kỳ). Không chịu nổi sự bất công, một đời hy sinh cho phong trào kháng Pháp, có con bị xử tử trong Nam Kỳ vì phong trào cách mạng, đau đớn quá cụ qua đời trên đường đi đày. Một năm sau (1956), cụ mới được giải oan. |