Bệnh nhân H. bị loét ngón chân nên mới bị vi khuẩn "ăn thịt người" xâm nhập
Ngày 12-9, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh - ông Hoàng Quang Trung xác nhận bệnh viện này vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.X.H. (61 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mắc bệnh Whitmore - nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" .
Theo các bác sĩ, trước khi nhập viện, bệnh nhân H. bị sốt cao liên tục, 2 ngón chân phải sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi…
Các bác sĩ chỉ định lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).
Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân H. vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng, do vậy Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Tiền sử của bênh nhân H. bị đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải. Do bệnh nhân này tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập.
Ngày 15-9, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân - khoa tai mũi họng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An - cho biết bệnh viện này đã phát hiện và điều trị cho 3 bệnh nhi bị bệnh whitmore.
Trước đó, bệnh viện này đã tiếp nhận 3 bệnh nhi gồm: Nghiêm Thanh T. (14 tuổi, ngụ huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Hoàng Văn C. (10 tuổi, ngụ xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An), Nguyễn Công H. (11 tuổi, ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Ba bệnh nhi được người nhà đưa đến viện với tình trạng ápxe viêm tuyến nước bọt mang tai, tình trạng chuyển biến nặng.
Người nhà các em cho hay do bệnh có biểu hiện giống quai bị nên đã tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều ngày không thấy bệnh tình thuyên giảm mà khu vực vùng da bị ápxe nên chuyển đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Ngân, kết quả cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện cả 3 em nhỏ đã dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh whitmore).
Sau một thời gian điều trị, hiện bệnh nhi T. đã ổn định và được xuất viện về nhà. Riêng 2 em H. và C. đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
Dễ nhầm lẫn với bệnh nhiễm trùng huyết do tụ cầu
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân lưu ý các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.
Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân whitmore nhập viện trong tình trạng bị vi khuẩn ăn mất phần tổ chức mềm của cánh mũi.
Ban đầu bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu, nhưng qua cấy máu và mủ vùng bị tổn thương cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn whitmore.
Bệnh nhân bị mất cánh mũi do Whitmore
Việc vi khuẩn "ăn" mất cánh mũi bệnh nhân khiến nhiều người gọi đây là "vi khuẩn ăn thịt người".
Theo ông Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bản chất y học không có khái niệm chính thống "vi khuẩn ăn thịt người", nhưng những loại tác nhân gây tình trạng hoại tử rất nhanh thường được gọi tên này.
Tuy nhiên ông Cấp nhận định whitmore không phải gây hoại tử nhanh như nhiều tác nhân "ăn thịt người" khác, vì thế gọi whitmore là "vi khuẩn ăn thịt người" có phần chưa đúng.
Trong khi đó có một số nhóm liên cầu, tụ cầu... gây tình trạng hoại tử rất nhanh có thể gọi tên "vi khuẩn ăn thịt người".
Theo ông Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, whitmore được ghi nhận rải rác từ những năm 1950 nhưng số lượng ít, 5-10 năm có khoảng 20 ca, và được xếp vào nhóm căn bệnh bị lãng quên.
Gần đây bệnh có dấu hiệu gia tăng, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 20 ca bệnh whitmore, trong đó riêng tháng 8 vừa qua có 12 ca bệnh, 4 người trong đó đã tử vong.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận 10-20 bệnh nhân/năm, chưa kể bệnh nhân vào các bệnh viện ở Nghệ An, Hà Tĩnh...
Số trường hợp mắc bệnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt vào tháng 7-11 là thời điểm mưa nhiều hằng năm.
Nguồn: TuoiTre