Phát biểu tham luận, Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải báo cáo tham luận về tình hình thực hiện thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong công tác xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Sáng 11/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM và Báo SGGP tổ chức Toạ đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM”, nhiều đơn vị đã báo cáo tham luận.
Toà tuyên thu hồi hàng ngàn tỷ đồng
Tại Toạ đàm, ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM trình bày, trong thời gian vừa qua TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án chức vụ lớn. Trong đó có nhiều vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, chỉ đạo, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Quang cảnh tạiToaj đàm.
Theo ông Hải, có thể kể đến một số vụ án tiêu biểu như vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, vụ án Dương Thị Bạch Diệp và đồng phạm, vụ án Hoàng Thị Thúy Nga và đồng phạm, vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm, vụ án Lê Tấn Hùng và đồng phạm, vụ án Diệp Dũng và đồng phạm...
Đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đã được xét xử trong thời gian qua TAND TP.HCM luôn quan tâm đến công tác thu hồi tài sản cho nhà nước. Theo đó, TAND TP.HCM thông qua việc xét xử đã tuyên thu hồi buộc nhiều bị cáo, tổ chức cá nhân có liên quan phải bồi thường, hoàn trả, thu hồi cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức số tiền lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Hải nêu dẫn chứng, từ 2021 đến nay, TAND TP.HCM đã tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức với tổng số tiền là hơn 688.000 tỷ đồng. Số tiền các bị cáo đã tự nguyện giao nộp, bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX tuyên thu hồi là hơn 2000 tỷ đồng và 31 triệu USD.
Cụ thể, vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (tại giai đoạn 1) đã buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn lại số tiền hơn 673.849 tỷ đồng. Trong giai đoạn điều tra truy tố các cơ quan tố tụng đã thu hồi hơn 1.400 tỷ đồng, 31 triệu USD; tại giai đoạn xét xử đã thu hồi gần 400 tỷ đồng. Đối với vụ án Diệp Dũng và đồng phạm, HĐXX đã tuyên thu hồi hơn 90 tỷ đồng; vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm HĐXX đã tuyên thu hồi hơn 109 tỷ đồng; vụ án Đặng Việt Hà và đồng phạm HĐXX đã tuyên thu hồi hơn 87 tỷ đồng…
Theo ông Hải, việc thu hồi tài sản trong công tác giải quyết, xét xử đã đạt được một số kết quả nhất định, đạt hiệu quả cao hơn so với trước đây. Các quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản hiện nay đã tương đối hoàn thiện hơn so với trước. Đặc biệt là các biện pháp kê biên, phong tỏa, cấm chuyển dịch đã được luật quy định cụ thể, bảo đảm tốt nhất cho công tác thu hồi tài sản thất thoát cho nhà nước.
Việc quy định đường lối xét xử khoan hồng, nhân văn trong các trường hợp bị cáo tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, khắc phục hậu quả do hành vi tội phạm gây ra, ngoài việc thể hiện sự khoan hồng của nhà nước và pháp luật cũng là một trong những cơ sở giúp cho việc thu hồi tài sản trong thời gian qua đạt hiệu quả cao.
Ông Hải báo cáo thêm, bên cạnh một số kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian qua tuy đạt hiệu quả cao, nhưng vẫn còn chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân xuất phát một phần là do các vụ án này nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian khá lâu mới bị phát hiện.
Chú trọng điều tra phần dân sự trong các vụ án
Các vụ án tham nhũng thường được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian dài. Đối tượng phạm tội thường tìm mọi cách tẩu tán tài sản, chuyển tiền ra nước ngoài. Hoặc nhờ các đối tượng khác đứng tên dẫn đến công tác xác minh thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. Đối với các tài sản đã bị chuyển trái phép ra nước ngoài, quá trình thu hồi cần có sự phối hợp với hợp tác quốc tế, nhưng hoạt động này có nhiều khó khăn nhất định.
Đối với các tài sản là cổ phiếu, trái phiếu, việc xác định giá trị để đảm bảo việc thu hồi cũng gặp không ít khó khăn, do ảnh hưởng của thị trường và nhiều yếu tố liên quan khác.
Ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM.
Đối với các vụ án về các tội phạm tham nhũng, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng thì hậu quả vật chất do hành vi phạm tội gây ra thường rất lớn. Có nhiều vật chứng vụ án, nhiều tài sản liên quan đến việc phạm tội phải kê biên; nhiều mối quan hệ dân sự phải giải quyết và lượng người tham gia tố tụng phải triệu tập thường rất đông.
Các vụ án tham nhũng kinh tế được phát hiện trong thời gian gần đây rất phức tạp, lượng hồ sơ nhiều, nên để giải quyết vụ án và các vấn đề liên quan đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian.
Đề xuất trong báo cáo tham luận, Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải đưa ra 3 giải pháp: “Thứ nhất, đề nghị các Cơ quan tiến hành tố tụng chú trọng hơn nữa việc điều tra, thu thập chứng cứ đối với phần dân sự trong vụ án hình sự. Thứ hai, đề nghị Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra quan tâm hơn đối với công tác giám định, định giá trong các lĩnh vực thuế, xây dựng, tài chính, ngân hàng…”.
Cuối cùng ông Hải nói “Kể từ giai đoạn điều tra đến xét xử, nếu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có giá trị lớn hay mang tính đặc thù thì khi kê biên, ngăn chặn. Chúng ta phải tính toán khâu xử lý từ giai đoạn đầu, không để tài sản bị hao hụt giá trị, ảnh hưởng đến việc thi hành về sau”.