Như đã đề cập, ông Dương Văn Chúc, trong thời gian giữ cương vị Phó Chủ tịch xã Thành Công, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã lấn chiếm đất công, bị cơ quan chức năng phanh phui nhưng chưa bị xử lý thì lại được Thị ủy Phổ Yên có văn bản số số 0929/TB-TU ngày 24/2/2020 giao phụ trách xã. Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên đã ra văn bản số 853/QĐ-UBND ngày 27/02/2020 giao Quyền Chủ tịch xã Thành Công cho ông Chúc khi ông Chủ tịch xã này nghỉ hưu.
Mẹ đẻ thuê đất 0 đồng, “lợi ích nhóm” khi thực hiện dự án
Theo phản ánh, bà Dương Thị Hoa là mẹ ông Chúc, được cho là đã thuê đất tại vị trí thửa đất số 247 thuộc tờ bản đồ số 61, trước đây là cửa hàng mua bán của xã, đây là điểm kinh doanh mà nhiều người mơ ước bởi vị trí rất thuận lợi. Bà Hoa thuê diện tích đất này để bán hàng từ năm 2002 đến năm 2017 mới trả lại cho UBND xã. Việc UBND xã cho thuê đất với thời hạn 15 năm là trái với quy định của Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013. Theo 2 Luật này, thời hạn cho thuê đất nông nghiệp vì mục đích công ích theo thẩm quyền của UBND cấp xã chỉ là 5 năm. Điều lạ lùng là UBND xã Thành Công cho bà Dương Thị Hoa thuê đất nhưng không có hợp đồng và trong ngân sách xã không thấy có khoản tiền này? Vụ việc trên xảy ra khi ông Chúc là cán bộ địa chính xã, sau đó là Phó Chủ tịch xã phụ trách địa chính. Liệu ông Chúc có liên quan hay chỉ liên đới trách nhiệm?
Quyết định 3552/QĐ-UBND ngày 21/11/2018 phê duyệt danh mục phát triển dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh Thái Nguyên
Thực hiện Đề án xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định 3552/QĐ-UBND ngày 21/11/2018 phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2018. Theo đó, Hợp tác xã Nông sản sạch & Dịch vụ Thành Công với 24 xã viên ( HTX) là đơn vị triển khai thực hiện dự án được thụ hưởng kinh phí này, Ban Quản lý dự án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả xã Thành Công (BQL) do ông Dương Văn Chúc – Phó Chủ tịch xã là Trưởng ban có trách nhiệm tham mưu cho UBND xã quản lý thực hiện dự án này theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói,7/8 thành viên BQL có người nhà hoặc chính mình là xã viên HTX. Trong danh sách xã viên, có 9 người là cán bộ chủ chốt của xã và xóm, 2 người là người nhà cán bộ xã, chỉ có 8 người, chiếm 30% là người dân. Đáng chú ý, trong 24 xã viên, có 5 người là em ruột, anh em con chú con bác ruột ông Chúc, con gì con già ruột vợ ông Chúc và cả bố vợ ông Chúc.
Quyết định thành lập Ban quản lý dự án xã Thành Công do ông Dương Văn Chúc làm Trưởng ban
Theo Quyết định số 3552/QĐ-UBND ngày 21/11/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên, HTX này được thụ hưởng số tiền hỗ trợ trên 1,15 tỷ đồng, thực chất là hỗ trợ cho 24 xã viên mà hầu hết là cán bộ xã, người nhà cán bộ xã, người nhà ông Chúc như phân tích ở trên. Dư luận cho rằng, đây chính là dự án “Lợi ích nhóm” của xã Thành Công mà ông Chúc là Trưởng ban Quản lý dự án.
Chưa bị xử lý dù vi phạm đã rõ
Như đã đề cập, ông Chúc là chủ nhân ngôi nhà kiểu biệt thự soi bóng trên mương Cầu Lai, nằm trên 2 thửa đất rộng khoảng 430 m2 mặt phố Long Thành thuộc địa phận xã Thành Công, bị người dân tố cáo lấn chiếm diện tích lòng mương thủy lợi Cầu Lai, làm hạn chế lưu lượng dòng chảy, biến dạng hình thể mương, ảnh hưởng đến canh tác của bà con. Căn cứ tố cáo, Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh Phổ Yên đã tiến hành đo đạc, xác định gia đình ông Chúc đã sử dụng 22,7 m2 phần mương Cầu Lai. Vụ việc đã quá rõ, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý và ông Chúc “đàng hoàng” được trao Quyền Chủ tịch UBND xã.
Người dân xã Thành Công cho biết, sau khi cơ quan ngôn luận lên tiếng về sai phạm, ông Chúc đã tự thu gọn hàng rào vào đúng phần đất của mình, trả lại phần diện tích “lỡ” dùng nhầm. Tiếc là, diến biến mới này của ông Chúc đã tỏ thành ý nhưng lại không được UBND xã hay chính quyền thôn lập biên bản ghi nhận.Tuy đã “tự nguyện” trả lại phần diện tích đất lấn chiếm, nhưng hành vi này của ông Chúc chỉ là khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, bởi lẽ hành vi vi phạm của ông Chúc đã cấu thành ngay sau khi hành vi lấn chiếm đất xảy ra, hành vi này đã gây hậu quả vật chất là thay đổi dòng chảy, thay đổi lưu lượng nước, đồng thời ông Chúc còn gây hậu quả phi vật chất hay còn gọi là hậu quả xã hội rất nghiêm trọng là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng viên, đối với cán bộ lãnh đạo xã. Hành vi này của ông Chúc phải được xử lý kịp thời để lập lại trật tự kỷ cương. Đó là mong đợi của dư luận người dân xã Thành Công đối với các cơ quan có thẩm quyền.
Theo tìm hiểu, sau khi Doanh nghiệp & Hội nhập đăng tải bài viết về những sai phạm của ông Dương Văn Chúc, Uỷ ban Kiểm tra Thị ủy thị xã Phổ Yên đã thành lập đoàn kiểm tra, mời những người tố cáo đến làm việc và làm việc với UBND xã Thành Công theo các nội dung tố cáo.
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục có bài viết phản ánh diễn biến của vụ việc.
Ông Dương Văn Chúc- Quyền Chủ tịch xã Thành Công bị tố học hệ “rất ngắn” khi năm 2003 mới tốt nghiệp Trung học cơ sở thì năm 2004 đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông hệ Bổ túc văn hóa? Liên quan việc này, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có công văn gửi Thị ủy Phổ Yên, UBND thị xã Phổ Yên, Trung tâm Nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Phổ Yên và Sở Giáo dục- Đào tạo huyện Phổ Yên nhưng chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.