Nhiều hệ thống được triển khai hiệu quả
Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.
Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia (phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước); Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) và Cổng dịch vụ công quốc gia. Các hệ thống này đều được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019 và trong thời gian ngắn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Cụ thể, từ ngày khai trương tháng 3-2019 đến ngày 25-2-2020 đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia; số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần. Hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 100% bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng.
E-Cabinet được đưa vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Từ ngày khai trương tháng 6-2019 đến nay đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp của Chính phủ. Các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 42.000 tài liệu giấy và thực hiện xử lý trên 230 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 6.000 phiếu giấy và hơn 29.000 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ, việc thiết lập và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia đã mang lại hiệu quả bước đầu khi sau hơn 2 tháng khai trương (tháng 12-2019), đến nay đã có hơn 65.900 tài khoản đăng ký, hơn 17 triệu lượt truy cập, hơn 1.925.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công. Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.
Đối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đang được Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối, liên thông với các Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông... Dự kiến, Văn phòng Chính phủ sẽ chính thức khai trương Hệ thống này vào đầu tháng 3-2020.
Hướng tới nền hành chính không giấy tờ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thực hiện một số nhiệm vụ vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, địa phương cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ để trong quý II-2020 có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo đó, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý II-2020.
Cùng với đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng chính sách, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh điện tử cho cá nhân để tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ đăng ký khai sinh trực tuyến. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý II-2020.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhất là việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp làm cơ sở để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện; thực hiện việc chia sẻ dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp để phục vụ cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Trước đó, tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương” (ngày 27-2-2020), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, năm 2020 và những năm tiếp theo còn rất nhiều việc phải làm mới có thể đạt mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đổi mới lề lối, phương thức làm việc, hướng tới nền hành chính không giấy tờ. Do đó, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc, theo đúng phương châm hành động của năm 2020 mà Chính phủ đã xác định: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc./.