Tôi cứ sợ viết chưa xong những dòng cuối cùng của bút ký này thì bão lại ập tới nơi đây, cả vùng Mũi đã ngập chìm trong nước. Rừng đang mang tin báo bão.
Phần 1
Tôi đã nhận ra nơi quen thuộc nhưng lại có cảm giác như chưa đến đây bao giờ cả. Những ngôi nhà phân bố dọc triền sông như vừa từ nước mọc lên, lọt thỏm giữa vùng trống rỗng với những ô nước ẩn màu đất xám tựa khu định cư của dân tộc K'ho bên triền thung sâu.
Ngày trước, hai bên con sông này đầy ngập cánh rừng, đứng cách chừng trăm thước không dễ gì nhìn thấy mặt nhau, giờ chỉ còn lại duy nhất cây đước quỳ - nơi chúng tôi thường làm điểm hẹn trước khi vượt sông. Cây đước quỳ đứng nghiêng vẹo trước mênh mông của gió, giống như con nai già vừa bị trúng đạn, gắng sức ngoái cổ nhìn lại vàm Máng Gào trước khi ngã gục.
Cây đước Cà Mau (ảnh internet)
Đang mùa lòng chung, cái mùa gió tranh ngọn mà gió cứ ào ạt thổi. Từ khi bắt đầu có trí nhớ, dường như chưa lần nào tôi đứng trước cái gió oằn oại như thế nầy. Gió Nam Hòn Khoai từ vàm Ông Linh - Cả Quản mãi miết thổi vào, gió chướng từ vàm Rạch Tàu nghiệt ngã thổi sang, cuộn tròn tạo thành xoáy lốc, bốc từng nắm nước tung lên, khi thì ở đoạn vàm rạch Sát Cò, lúc ở khúc vịnh Nước Sôi. Trong âm thanh tiếng gió tôi nghe như có tiếng người đồng vọng, tiếng đồng đội tôi đã gởi phần thịt lại đất này hòa lẫn tiếng của những người còn sống.
Như thời thơ ấu, tôi thường ngồi nghe tiếng động cơ đều đều hát một bài hát quen thuộc, giờ đây trong âm thanh tiếng gió tôi như nghe có tiếng của ba tôi: "Con nên biết rằng mỗi thân đước là một sinh linh, khi ngã xuống góc không bao giờ tái sinh...". Dư âm ấy cứ điệp khúc, thì dồn nhịp, lúc lắng động xa xôi.
Trời đang sáng, hoàng hôn bỗng ập đến không hề báo trước. Nhớ ngày nào, những lúc ngồi chờ đến giờ vượt sông tôi thường say sưa ngồi nhìn ánh nắng vàng chiếu chênh chếch xuyên khoai vào khoảng cây rừng, khi mặt trời chậm chạp lùi xa trên biển phía Tây, để lại cảnh rừng chiều âm u, cũng là lúc các giang thuyền của Hạm đội nổi của Mỹ ngừng hoạt động trên sông. Ngày nay, các cánh rừng chỉ còn lại là những ô vuông trống rỗng phủ nước, trải hầu hết lên diện tích lâm phần, gồ ghề góc và cánh cây mục, nằm phơi trần trên mặt đất xám màu trầm tích như những tấm vải bố căng trên khung gỗ, bày la liệt trong phòng của một họa sĩ vừa quét dở lớp sơn dầu màu nền xám sỉn và có vẻ như chủ nhân của nó không còn muốn vẽ thêm một màu nào nữa lên đó.
Cánh rừng cũ đã biến mất như có phép phù thủy trong chuyện cổ tích, để cho hoàng hôn ập đến không phải trong chuyện cổ tích mà ngay trước mắt tôi. Cái gì sẽ còn biến mất nữa? Tôi tự hỏi. Những cơn mưa rừng dồn dã kéo dài đã biến mất, để lại giăng giăng mưa phùn trắng mỏng như màn lưới rê tôm bao phủ xuống vùng rừng và tiếng bìm bịp âm âm vang vọng gọi con nước lớn vào mỗi bình minh đã lâu rồi tôi không còn nghe lại ở giữa vùng rừng ngập mặn. Điều đó như nói với tôi rằng, thiên nhiên trông bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng không bao giờ bộc lộ hết một lần những điều bí ẩn của nó, chỉ trên cơ sở sử dụng con người mới có thể phát hiện hết sự phản ứng của thiên nhiên.
Đứng nhìn dòng sông Ông Trang bị khoét lồi lõm ven bờ do xói lở, những góc đước già với bộ rễ chân nom tạo dáng vững chắc là vậy đã lần lượt thay nhau lao xuống dòng nước, kéo theo từng mãng đất, để lại ven bờ những dấu vết tựa hố bom cũ làm tôi nhớ đến cảnh nhà nhờ Xương Điền ở Văn Lý và cầu Kiên Chinh được xây dựng trên đất liền cách nay chừng 40 năm, giờ đang đứng chơi vơi giữa biển, cách bờ chừng 2 km. Và, mới đây thôi xói lở cũng đã rút đi hàng trăm ngôi ở cửa Gành Hào, bên dòng sông Năm Căn, bên dòng sông Ông Đốc ven rừng ngập mặn.
Cánh rừng nào sẽ che chắn đây, khi vùng Đất Mũi này phải đứng trước sự giận dử của thiên nhiên, như thiên nhiên có lần đặt thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha trên bờ Đại Tây Dương nằm trong sự giận dử của nó hồi 9,30 giờ sáng ngày 1 tháng 11 năm 1755. Cả thủ đô Lisbon tráng lệ đã không còn nhiều lắm những viên gạch nằm chồng lên nhau bởi sóng thần. Trận động đất làm 25.000 nhà, lâu đài, dinh tự đổ nát và biến mất; có ít nhất 35.000 người chết và mất tích (có nguồn tin nói số người chết và mất tích có đến 60.000 người ) Cánh rừng nào sẽ che chắn đây, nếu cái vùng Mũi này phải nằm trong "Đêm kinh hoàng của tạo hóa" mà một nhà khoa học đã đặt tên cho đợt sóng thần ngày 5 tháng 11 năm 1962 trên bờ biển Curin và Camsatca. Đang đêm, mực nước biển bỗng dưng rút xa bờ biển Curin và Camsatca chừng 500 mét rồi dâng trào cuồn cuộn trở lại cao chừng 10 mét, tiến vào đất liền quét sạch vùng Bôicôvô và nhiều khu dân cư khác, không một người sống sót, cả vùng Bôicôvô chỉ còn sót lại một ngôi nhà duy nhất xây bằng đá. Thiên nhiên vốn tự cân bằng ngay cả trong chính sự biến đổi của nó, nếu có tác nhân phá vở sự cân bằng đó thiên nhiên không phải là không biết nổi loạn!
Phần 2
Thiên nhiên kỳ diệu đã bắt dòng hải lưu mang phù sa đến đây, đặt lên cái vùng Đất Mũi này nằm vào khu vực của vĩ tuyến 28 tựa hình một trái tim, nằm kẹp giữa biển Đông và Vịnh Thái Lan với những cửa sông ở biển phía Đông mở lối vào các dòng sông lớn, ăn sâu, đan chéo và chằng chịt trong nội địa rồi đi ra cùng với mênh mông ở biển phía Tây với biên độ triều cao, hội đủ điều kiện thuận lợi cho việc hình thành rừng Sác. Theo dòng hải lưu, phù sa đã đến đây động đầy lại vùng Mũi này trong trò chơi của sóng biển quanh năm, tạo nên những dòng đất phù sa non ướt đầm nước mặn, phơi mình đón nhận những chùm rễ "long hút" của trái mấm như những chùm pháo hoa. Bộ rễ ấy vươn lên lộ thiên thành triệu triệu mũi chông, đâm vào sóng biển đang nặng đầm những hạt phù sa...Khi nền đất vừa đủ độ cứng mà họ mấn đã củng cố được thì các loài đước, vẹt, dà, giá... đã trở thành “cư dân” thứ hai đến đây trong quá trình điến thế của rừng ngập mặn.
Cứ thế, cứ thế rừng Sác trở thành một tấm bình phong khổng lồ ngăn gió, giữ mây, chứa trên tán rừng một tầng dày hơi nước, chỉ cần một cơn gió lạnh thoảng đến cũng đủ làm nên cơn mưa.
Rừng đước Cà Mau trong quá trình diễn thế của rừng ngập mặn (ảnh internet)
Rừng Sác Cà Mau chẳng khác nào một đất nước với 46 dân tộc - các loài cây - trên một quốc gia thống nhất, cùng với hơn 200 loài chim là những ngoại kiều sẵn sàng cư trú... chính trị vĩnh viễn vì sự an toàn và ổn định của hệ sinh thái. Mới ngày nào nơi đây hãy còn là chốn bình yên cho loài vượn, đã hình thành nên tên đất Viên An. Chính nơi đây đã có hằng số sinh thái cao ngang bằng với cánh rừng ngập nước lớn nhất thế giới ở cửa sông Amazôn của Brasin, vượt xa cánh rừng ở sông Hằng của Ấn Độ, hơn hẳn cánh rừng bên bờ sông Laruy của Philippin. Vậy mà giờ đây, giờ đây trước mắt tôi chỉ còn là mênh mông của gió, mặt đất lâm phần san sát những ô vuông chứa nước nuôi tôm, quanh khu vực các trạm kiểm lâm, các lâm ngư trường chất giăng, đầy ấp, la liệt những đống cây nhìn giống như những hàng mộ trong những nghĩa trang.
Trên những con sông hội tụ đã tạo nên rừng đang quặn mình gồng gánh những đoàn xuống nối nhau dài dằng dặc đầy ấp cây rừng, tựa hồ những dòng máu đang lan chảy từ một cơ thể vừa bị phá vở.
Bóng đêm như muốn nói với con người ở đây điều gì mà bầu trời kéo từng cụm mây về đây vần vũ. Ven bờ sông, sóng lại hát điệp khúc của gió ban ngày "...mỗi thân đước là một sinh linh".
Tôi tha thẩn bước dọc dài theo con đường mòn của xóm Ông Trang mà cứ tưởng như đang đi trên đám tro tàn của rừng ngập mặn. Đất phù sa mới dưới chân, muối khoán của biển mặn hòa vào đất tân sinh dưới chân, mùn bã - dấu vết của rừng xưa dưới chân nhưng cánh rừng cũ chỉ còn lại như là trong huyền thoại, một huyền thoại không phải bắt đầu bằng những chữ "ngày xửa, ngày xưa" mà là... "hồi đó". Như mỗi bận về quê, ông tôi hay kể: "Hồi đó ở đây là lô rừng tràm 388...", má tôi lại kể: "Hồi đó, rừng đước Cây Thơ bị máy bay Mỹ rãi chất độc hóa...". Rồi đây, chẳng lẽ nào tôi lại kể với thế hệ sau tôi rằng: Hồi đó, hồi đó ở đây có rừng ngập mặn...
Sau lưng tôi là vàm sông Ông Trang chảy giữa xã Viên An. Trước mắt tôi là vàm Rạch Tàu, phía ấy ngọn đèn Hòn Khoai cứ cháy chớp tắc ngắt quảng từng lúc không đều tựa như tín hiệu cấp cứu. Mặt sông, con nước lớn đang dâng che phủ sự hoang tàn của xói lở hai bên bờ làm cho dòng sông như rộng ra hơn. Dòng bọt xẩm ngầu phù sa đang dừng lại giữa hai đầu con sông, nơi giao thoa sóng triều. Phù sa cứ lắng lại đây như một sự vô tình. Nhưng thiên nhiên nào có vô tình, chúng đang cố gắng tự cân bằng để không tự phá vỡ ngay chính bản thân chúng. Nghĩ đến thiên nhiên, bất giác tôi lại liên tưởng đến tính năng của một trái lựu đạn!
Hai dòng bọt ngược chiều xẩm ngầu phù sa, đang dừng lại chỗ giáp nước giữa hai đầu con sông nơi giao thoa sóng triều, dường như chúng đang trầm tư nghĩ rằng có nên dâng cao lên nữa hay không? Nếu dâng cao lên nữa và dâng cao lên nữa?
Vùng Mũi nằm kẹp giữa biển Đông và Vịnh Thái Lan với hàng trăm cửa sông ở biển phía Đông thâm nhập vào nội địa rồi ăn thông ra biển phía Tây bằng những con sông đang ngày càng tự mở rộng do xói lở vì không còn những ven rừng phòng hộ, trên những dòng sông ấy đang có bao nhiêu nơi "giáp nước" như vậy? Đang có bao nhiêu con sông từ nội địa cùng ăn thông ra hai phía biển để đón nhận thủy triều cùng lúc từ hai phía biển thâm nhập vào nội địa? Nếu biên độ triều dâng cao và dâng cao lên nữa?
Đêm. Khi đang nằm ngủ trong ngôi nhà sàn của một ngư dân tôi chợt thức giấc vì âm thanh lõm bõm của cá thòi lòi chạy trốn con nước lớn dưới sàn nhà. Trong cơn mơ màng tôi thấy mình đang trôi vật vờ trong biển nước giữa một cơn nước dâng bất thường và cả vùng Mũi đang ngập trong nước mênh mông.
Tôi choàng dậy. Trời khuya thấm đẫm hơi lạnh của cơn bấc non, mảnh trăng cuối tháng nằm dán vào lưng trời như vành miệng nghiêng mếu sắp bật khóc trên gương mặt vô hình. Nước lớn đang dâng lên vào đêm như thường lệ, ngọn đèn Hòn Khoai vẫn chớp tắc ngắt quảng không đều nhưng không có vẻ gì là tín hiệu cấp cứu. Giữa thinh vắng, bất giác tôi lại nghĩ rằng nửa đêm về sáng là giờ của các nhà thơ chứ không phải là giờ của những tên sát nhân, những tên sát nhân ngày nay nào chỉ phạm tội vào ban đêm!
Phần 3
Ngày nào, mỗi chúng tôi đều ngồi đợi bình minh đến. Cái khoảng giữa của ngày đêm thuở ấy đối với chúng tôi thật dung dị và vô cùng nghiệt ngã. Ánh ngày mới trong vắt xuyên vào khoảng cây rừng tạo thành hình rẽ quạt soi rõ triệu triệu giọt sương đang bay và âm thanh ma quái của các giang thuyền của Hạm đội bảy của Mỹ đang hoạt động trên sông Năm Căn như tiếng kêu xiết của tử thần... Nhưng chúng tôi đã có rừng che chắn, chúng tôi đã có cái điệp trùng của triệu sinh linh che chắn và chúng tôi vẫn sống cùng với sự có mặt của rừng, vì sự có mặt của rừng.
Ngày ấy, chúng tôi hiểu về rừng như là một sức mạnh chứ không chỉ là thế mạnh. Và, khi rừng bị xem là thế mạnh thì sức mạnh của rừng đã bị thuyết phục, sắp bị hủy diệt. Con người tuyệt đỉnh không thích sự tồn tại của những gì được gọi là thế mạnh chăng? Có lẽ vì vậy mà con người đã khai thác nó, bòn rút nó cho đến khi nào mà nó hãy còn chưa cùng kiệt.
Không, rừng không chỉ là thế mạnh. Rừng còn tiểm ẩn cả sức mạnh của thiên nhiên. Hãy giữ lại thế mạnh của rừng, hãy bảo vệ thế mạnh của rừng và hãy cảnh giác sức mạnh của nó!
Bình minh. Một ngày mới lại đến. Những đoàn xuồng đầy ấp cây rừng - dòng máu đang lan chảy từ một cơ thể vừa bị phá vở - đang nối nhau dài dằng dặc trên các dòng sông. Trên các dòng sông nước vẫn cứ ạt ào đổ xiết, dọc bờ đi quanh các xóm thôn nước đã dâng lên vượt bờ ngăn mặn chảy tràn qua tựa như những đập tràn của dãy dài những thác nước nhỏ.
Trời dập bấc. Nhưng không khí không còn là sự mát lành, dễ chịu của mùa Đông nhiệt đới mà trở thành cái rét đậm cồn cào sau những ngày nắng hè đổ dồn như trút lửa bằng những đường thẳng vuông góc với mặt đất xứ này. Mùa hè nhiệt đới không còn là cái nắng ẫm áp và mùa đông nhiệt đới không còn là không khí mát lành lý tưởng nữa. Những thứ thuộc về trời đất tưởng chừng như ổn định giờ đã bị chuyển dịch. Thiên nhiên đang báo hiệu những điều bất thường.
Rừng ngập nước Cà Mau có biến mất, nhưng đất này không bao giờ trở thành sa mạc, đất tân sinh vẫn chưa đủ độ kết dính, phong hóa của cằn khô. Nó chỉ có thể bị vữa ra và biến mất, sự biến mất còn dễ dàng hơn khi chúng từng lớp, từng đợt hình thành. Mũi Cà Mau đang co rúm lại trước dòng hải lưu chuyển hướng.
Tôi cứ sợ viết chưa xong những dòng cuối cùng của bút ký này thì bão lại ập tới nơi đây, cả vùng Mũi đã ngập chìm trong nước. Rừng đang mang tin báo bão.
Cà Mau, những ngày nước dâng.