Từ "Biển Đông" đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại phòng họp Diên Hồng khi phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội diễn ra. Trình bày diễn văn khai mạc, "tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường", đồng thời khẳng định "Quốc hội nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần đề cập vấn đề Biển Đông gần một giờ phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội. Thủ tướng cũng đồng thời nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước".
Trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày thì chủ quyền Biển Đông cũng được nêu. Theo đó, Quốc hội yêu cầu: "Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền; chủ động nắm, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo".
Trong khi đó, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch MTTQ VN Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri, nhân dân lo lắng về "những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam".
Sự quan tâm của cử tri tại các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội thời gian qua cũng được phản ánh phần nào thông qua các phát biểu nêu trên của lãnh đạo, đặc biệt lắng đọng tại cuộc tiếp xúc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội trước thềm kỳ họp.
Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chắc chắn nhân dân trên mọi miền đất nước sẽ dõi theo các diễn biến kỳ họp, trông đợi cơ quan quyền lực tối cao thảo luận, đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, khôn khéo và hiệu quả, làm yên lòng dân.
Link gốc đây